Chính sách sản lượng của OPEC+ có thể tiếp tục hỗ trợ giá dầu trong thời gian tới hay không?

Trong những tháng vừa qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã liên tục tăng sản lượng theo kế hoạch. Tuy nhiên, mức tăng lại thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra ban đầu vì một số quốc gia trong nhóm gặp khó khăn trong khâu sản xuất. Vậy khi mà giá dầu đang ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm thì liệu liên minh này có thể tăng sản lượng thêm nữa hay không?

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Sản lượng thực tế của OPEC+

Theo báo cáo hàng tháng mới nhất, sản lượng thực tế của OPEC trong tháng 12/2021 chỉ đạt 27,88 triệu thùng/ngày, cao hơn 170.000 thùng/ngày so tháng 11/2021. Đây là mức tăng thấp hơn so với hạn ngạch cho phép và khiến cho tỷ lệ tuân thủ với thỏa thuận của họ trong tháng trước tăng lên hơn 100%.

Có thể thấy rằng trong nửa đầu năm 2021 thì các quốc gia thuộc OPEC+ liên tục tăng sản lượng đúng như kế hoạch, nhưng kể từ giữa năm thì tăng trưởng sản lượng lại không thể đạt mức 400.000 thùng/ngày trong mỗi tháng. Điều này có thể được lý giải bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như sụt giảm trong năng lực sản xuất dự phòng, các lệnh trừng phạt của Mỹ, khả năng sản xuất yếu kém, hay gần đây nhất có thể kể đến các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất UAE hay tình trạng bất ổn tại Kazakhstan.

Việc Houthi tấn công vào các cơ sở dầu khí quan trọng ở Trung Đông không phải là mới, nhưng mỗi khi có những sự kiện như vậy thì đều gây ra bất ổn cho nguồn cung và từ đó thúc đẩy giá dầu tăng. Các vụ việc trong những tuần gần đây đang làm dấy lên nỗi lo ngại về tình hình an ninh năng lượng trong khu vực và sẽ là một yếu tố quan trọng hỗ trợ giá dầu tăng trong những tuần tới. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất hiện tại chưa gặp ảnh hưởng nhiều nên tác động sẽ không quá lớn.

Chính sách sản lượng của OPEC+

Có thể thấy rằng chính sách sản lượng của OPEC+ chỉ là một công cụ để đưa ra hướng đi cho thị trường và các động thái của nhóm này mới cho thấy kế hoạch thực sự. Trong báo cáo xuất bản ngày 18/1/2022, OPEC đã giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm 2022 bất chấp ảnh hưởng từ biến thể Omicron và các đợt tăng lãi suất dự kiến của Mỹ, đồng thời dự đoán rằng thị trường sẽ được hỗ trợ tốt trong cả năm.

Theo nhận định của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), dự báo này là khá hợp lý khi mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó. Đây có thể là một dấu hiệu sớm rằng OPEC+ sẽ duy trì kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong cuộc họp tuần sau vì liên minh này đã luôn có cái nhìn tích cực về thị trường trong vài tháng trở lại đây.

Kịch bản giá dầu tăng lên 90-100 USD/thùng?

Theo thông tin mới nhất thì các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, Morgan Stanley và Barclays đều đã điều chỉnh tăng dự báo giá dầu trong năm 2022. Hành động này sẽ củng cố tâm lý các nhà đầu tư trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn để giá dầu có thể đạt mức 90-100 USD/thùng thì cần nhiều hơn là những lời dự đoán.

Theo chúng tôi, sản lượng của OPEC+ sẽ tiếp tục không thể bắt kịp kế hoạch và là một trong những yếu tố tích cực giúp hỗ trợ giá dầu trong những tháng tới. Trong khi đó, các quốc gia tiêu thụ lớn sẽ nới lỏng dần các hạn chế liên quan đến Covid-19 hoặc thậm chí là loại bỏ hoàn toàn các biện pháp này và chấp nhận sống chung với đại dịch, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế và di chuyển đường bộ cũng như đường hàng không.

Việc giá dầu ở mức cao sẽ gây tổn thương nền kinh tế thế giới, do giá dầu sẽ gián tiếp đẩy giá hàng hóa toàn cầu tăng. Vì vậy, mặc dù các nhà sản xuất dầu muốn thu nhiều lợi nhuận hơn nhưng khả năng cao họ sẽ cố gắng ngăn chặn tình trạng giá dầu tăng đột biến. Do vậy, kịch bản giá dầu chạm mốc 90 USD/thùng có khả năng sẽ xảy ra, nhưng con số 100 USD/thùng sẽ là vẫn là cột mốc khá xa.

CÔNG MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-luong/chinh-sach-san-luong-cua-opec-co-the-tiep-tuc-ho-tro-gia-dau-trong-thoi-gian-toi-hay-khong--684030/