Chính sách quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập còn lúng túng

Việc xây dựng chính sách quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua đã bộc lộ một số điểm lúng túng, đặc biệt liên quan đến đề xuất cơ chế tự chủ về tổ chức, biên chế và cơ chế trả lương vì đây là nội dung có đề xuất mới chưa có trong quy định hiện hành của Nhà nước.

Ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ VHTTDL) chia sẻ như vậy khi trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về hiệu quả của một số đơn vị được Bộ VHTTDL giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức bộ máy trong thời gian qua như: Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Nhà hát lớn Hà Nội, Trung tâm chiếu phim Quốc gia...

Đây cũng là nội dung liên quan đến Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập – được thảo luận ngày 9/10 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Nhà hát Lớn Hà Nội - một trong những đơn vị chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm từ năm 2012.

-Ngày 9/10, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thảo luận về Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Là đơn vị thẩm định các phương án và giám sát thực tế, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của một số đơn vị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức bộ máy như: Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Nhà hát lớn Hà Nội, Trung tâm chiếu phim Quốc gia...?

Ông Trần Hoàng: Các đơn vị này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao tự chủ về tài chính ở mức độ tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên từ năm 2012.

Đến nay, qua 5 năm thực hiện chế độ tự chủ các đơn vị về cơ bản hoạt động bình thường, phát huy được hiệu quả cơ sở vật chất do Nhà nước đầu tư trước đây, duy trì ổn định số thu sự nghiệp, tự trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, có tích lũy và tự đảm bảo được kinh phí để duy tu, sửa chữa cở sở vật chất được giao ở mức độ nhỏ và trung bình.

- Theo ông, những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc thường gặp trong việc chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập sang đơn vị tự chủ đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch là gì? Từ những vướng mắc này, chúng ta cần phải rút ra bài học gì, tham mưu thay đổi những quy định nào để việc chuyển đổi sang tự chủ thuận lợi hơn, thưa ông?

Ông Trần Hoàng: Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trong thời gian qua, một số vấn đề chưa thực sự thống nhất về nhận thức. Có ý kiến cho rằng đổi mới cơ chế hoạt động phải bắt đầu từ vấn đề tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương… rồi mới đến tài chính, nhưng cũng có ý kiến cho rằng phải tập trung vào đổi mới cơ chế tài chính trước rồi mới quyết định mức độ tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương.

Ngoài ra, việc xây dựng chính sách quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập cho từng lĩnh vực trong thời gian qua đã bộc lộ một số điểm lúng túng, đặc biệt liên quan đến đề xuất cơ chế tự chủ về tổ chức, biên chế và cơ chế trả lương vì đây là nội dung có đề xuất mới chưa có trong quy định hiện hành của Nhà nước.

-Tại các cuộc họp với Chính phủ và Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu lên những khó khăn khi chuyển sang cơ chế tự chủ của những đơn vị nghệ thuật truyền thống như: Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Tuồng...

Vậy ông suy nghĩ như thế nào về những khó khăn này và giải pháp cho “bài toán” này là gì?

Ông Trần Hoàng: Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, về nội dung đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ “Trung ương yêu cầu phải khẩn trương sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm tình hình của từng ngành, lĩnh vực và địa bàn, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, nhưng không thương mại hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công... Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Chú ý rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công và từng loại hình đơn vị sự nghiệp công lập”.

Các đơn vị nghệ thuật truyền thống nói chung có nguồn thu thấp do vậy khả năng tự chủ về tài chính là rất hạn chế và vì vậy vẫn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp đồng bộ cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống về cơ bản xuất phát khả năng tự chủ về tài chính và sẽ tập trung vào một số nội dung như: Phân định rõ nhiệm vụ do nhà nước đặt hàng thông qua danh mục dịch vụ sự nghiệp công; Đổi mới cơ chế cấp phát giao dự toán; Chính sách về biên chế, tiền lương và hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, từ đó minh bạch, rạch ròi phần hỗ trợ của Nhà nước, tạo sự chủ động cho đơn vị trong lập kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ và có ý thức trong việc thúc đẩy các giải pháp tăng thu.

-Xin ông cho biết sắp tới sẽ có bao nhiêu đơn vị tiếp tục được Bộ giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức bộ máy?

Ông Trần Hoàng: Theo quy định hiện hành của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, tất cả các đơn vị SNCL đều thuộc đối tượng được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tiền lương và tài chính.

Tuy nhiên, mức độ giao tự chủ sẽ tùy thuộc vào đặc điểm, đặc thù hoạt động của từng đơn vị sự nghiệp. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ đơn vị SNCL trong lĩnh vực VHTTDL, Bộ VHTTDL sẽ triển khai đồng loạt đến tất cả các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/chinh-sach-quy-dinh-co-che-tu-chu-cua-don-vi-su-nghiep-cong-lap-con-lung-tung-258827.html