Chính sách pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng thiết thực

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo 'Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2020', điểm lại một số quy định pháp luật đáng chú ý trong năm 2020.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội thảo ngày 12/1. (Ảnh: Mẫn Chi)

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội thảo ngày 12/1. (Ảnh: Mẫn Chi)

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 được xây dựng trên cơ sở thực tiễn kinh doanh và những nghiên cứu chuyên sâu, hướng tới độc giả là các cơ quan quản lý nhà nước cả ở cấp Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo những người quan tâm đến pháp luật kinh doanh.

Báo cáo đặc biệt hữu ích cho những người cần có cái nhìn tổng quan về pháp luật kinh doanh của Việt Nam hay muốn tìm hiểu sâu về những chủ đề pháp luật kinh doanh quan trọng.

Trên cơ sở ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội và nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh điểm lại một số quy định pháp luật đáng chú ý trong năm 2020.

Các quy định được lựa chọn để phân tích, bình luận trong báo cáo dựa trên một số tiêu chí như có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp tại Việt Nam, có điểm đặc biệt về phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề, hoặc mang tính điển hình về quy trình xây dựng, ban hành.

Ngoài ra, Báo cáo cũng chọn ra các vấn đề về pháp luật để phân tích, đánh giá. Đây là những vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh. Vấn đề của Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 là những vấn đề còn vướng mắc trong các quy định về điều kiện gia nhập thị trường và khung khổ pháp lý cho kinh tế số.

Hai dòng chảy mạnh mẽ

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương và đạt tốc độ tăng trưởng cao; trong đó, một phần quan trọng là do sự điều hành tỉnh táo, có hiệu quả của Chính phủ; nhất là việc cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách, cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh phù hợp, hiệu quả; vượt qua khó khăn trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19...

Năm 2020, đã có 17 luật, 158 nghị định, 39 quyết định cùng 310 thông tư được các cấp có thẩm quyền ban hành. So với các năm trước, số luật, nghị định và quyết định không biến động nhiều nhưng số thông tư giảm mạnh.

Thực tế cho thấy, chất lượng xây dựng thể chế và chất lượng các quy định pháp luật nói chung đã và đang dần được nâng lên một bước, với nội dung thiết thực và dễ thực thi hơn cho dù không cần ban hành thêm nhiều thông tư ở cấp bộ.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trong năm qua, chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp được thiết kế đi theo hai “dòng chảy” rất mạnh mẽ.

"Thứ nhất là 'dòng chảy' rất nhanh, rất kịp thời của các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua các khó khăn do dịch bệnh Covid 19. Thứ hai là 'dòng chảy' bền bỉ, mạnh mẽ của các chính sách cải cách thể thế, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả quốc gia”, Chủ tịch VCCI cho hay.

Cũng trong năm 2020, dòng chảy pháp luật kinh doanh có những điểm sáng về chính sách mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

“Ví dụ hai Nghị định thúc đẩy khởi sự kinh doanh là Nghị định 122 đã tích hợp ba quy trình đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình việc sử dụng lao động vào quy trình thành lập doanh nghiệp. Tổng thời gian gia nhập thị trường gồm các thủ tục này đã rút ngắn xuống còn 3 ngày làm việc và Nghị định 22 miễn lệ phí môn bài cho các doanh nghiệp mới thành lập trong năm đầu", ông Lộc dẫn chứng.

Theo ông Lộc, đây là hai văn bản có những cải cách rất lớn về cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh của các chủ thể kinh doanh, dự báo sẽ góp phần đưa Việt Nam thăng hạng mạnh mẽ về chỉ số gia nhập thị trường trong Doing Business của Ngân hàng Thế giới trong thời gian tới.

Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng cho biết năm 2020, trong hoạt động hoàn thiện và sửa đổi chính sách cũng đánh dấu những nỗ lực đột phá, sẵn sàng thay đổi những quy định tưởng như rất khó thay đổi để thúc đẩy sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được, ông Lộc cũng cho rằng, hoạt động xây dựng pháp luật năm nay vẫn còn tồn tại những điểm khiến cho cộng đồng doanh nghiệp quan ngại, xuất phát chủ yếu từ tư duy soạn chính sách của những nhà làm luật. "Chúng tôi nhận thấy đâu đó vẫn còn những tư duy cũ kĩ của các làm chính sách trong các văn bản được soạn thảo và ban hành trong năm nay", ông nói.

Dự thảo cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều các quy định để minh bạch hóa và chống lạm dụng quyền lực trong hoạt động kiểm tra doanh nghiệp. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Về Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2020, ông Lộc nhấn mạnh, Báo cáo lần này đã dành hẳn chương riêng để thảo luận, đó là khung khổ pháp lý nào cho nền kinh tế số.

“Dù đây là lĩnh vực rất quan trọng, đầy tiềm năng nhưng theo nhiều đánh giá thì chất lượng và phản ứng chính sách của Việt Nam vẫn được xem là điểm yếu cần cải thiện. Theo ước tính của Google và Temasek trong Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á vừa công bố cuối năm 2020 thì nền kinh tế số của Việt Nam năm 2020 đã đạt khoảng 14 tỷ USD và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt mức 54 tỷ USD. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của internet và những tiềm năng khổng lồ của môi trường này mang lại, các thể chế pháp lý của Việt Nam dường như đang chậm chân trong dòng chảy với tốc độ vũ bão này”, ông Lộc nói.

Hoạt động thanh, kiểm tra chưa được minh bạch hóa

Đánh giá về Báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Pháp luật Việt Nam đã có Luật Thanh tra, quy định về hoạt động thanh tra doanh nghiệp.

“Tuy chưa thực sự minh bạch và hợp lý, nhưng các quy định về của Luật Thanh tra cũng đã giúp tránh sự tùy tiện hoặc lạm quyền của nhiều cơ quan, cán bộ đối với doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết, Luật Thanh tra yêu cầu việc thanh tra phải có kế hoạch hàng năm, trường hợp thanh tra định kỳ phải có quyết định thanh tra và gửi trước cho doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép giải trình đối với dự thảo kết luận thanh tra và kết luận cuối cùng phải được cung cấp cho doanh nghiệp. Luật cũng có quy định các khoảng thời gian cụ thể cho từng bước của một cuộc thanh tra.

Tuy nhiên, đối với hoạt động kiểm tra thì hiện nay không có các quy định như vậy. Trong khi đó, có sự trùng lặp giữa việc thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp về nội dung và hệ quả pháp lý của hai hoạt động này.

“Chính vì vậy, tình trạng nhiều cơ quan nhà nước lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn diễn ra. Năm 2020, Bộ Tài chính soạn thảo Thông tư hướng dẫn kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Dự thảo sẽ trao quyền cho các cơ quan của Bộ Tài chính trong việc kiểm tra các doanh nghiệp và cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh dự thảo này là một ví dụ minh họa cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều các quy định để minh bạch hóa và chống lạm dụng quyền lực trong hoạt động kiểm tra doanh nghiệp.

“Đây là vấn đề cần được nghiên cứu và khắc phục trong tương lai, có thể qua việc sửa đổi Luật Thanh tra để bao gồm cả hoạt động kiểm tra”, ông Tuấn chỉ rõ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-sach-phap-luat-ho-tro-doanh-nghiep-ngay-cang-thiet-thuc-133753.html