Chính sách nhiều nhưng chất lượng chưa cao

Đó là một thực tế trong việc thực hiện công tác dân tộc ở nước ta hiện nay. Theo Báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2014 của Ủy ban Dân tộc (UBDT), hiện nay có 130 chính sách dân tộc được thể hiện qua 177 văn bản tại 37 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và 140 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, UBDT quản lý 9 chính sách và các bộ, ngành quản lý 121 chính sách. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước bằng việc ban hành chính sách riêng phù hợp với địa bàn. Tuy nhiên, tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc lần thứ 11 vừa qua, đa số ý kiến cho rằng, một số chính sách dân tộc thực hiện chưa hiệu quả; nhiều chính sách dân tộc hết hiệu lực nhưng mục tiêu không hoàn thành.

Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã đầu tư chăn nuôi, sản xuất và phát triển nghề thủ công truyền thống, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: CTV.

Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã đầu tư chăn nuôi, sản xuất và phát triển nghề thủ công truyền thống, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: CTV.

Theo đánh giá của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan, nội dung một số chương trình còn trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng, mục tiêu của chính sách thường lớn, thời gian thực hiện ngắn và nguồn lực không bảo đảm nên hiệu quả thấp; có chính sách định mức thấp, thời gian thực hiện kéo dài nên khó triển khai.

Ông Sơn Phước Hoan lấy ví dụ Chương trình 135 được thực hiện từ năm 1999 đến nay. Hiện nay, chương trình tập trung vào công tác giảm nghèo bền vững, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thời gian qua thực hiện chương trình này còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, đang có xu hướng thu hẹp dần về nguồn lực. Vừa qua, Quốc hội biểu quyết thông qua phân bổ ngân sách năm 2015 cho các xã nghèo, kinh phí rút từ 1,5 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng/xã/năm.

Ở khía cạnh khác, tình trạng "giẫm chân nhau" khi triển khai các chính sách dân tộc giữa các bộ, ngành là một thực tế và đang trở thành yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện và mục tiêu của các chính sách. Theo ông Sơn Phước Hoan, sự chồng chéo trong các chính sách một phần là do chưa có sự phân định rõ trong thiết kế các chương trình, dự án giữa các bộ, ngành.

"Các chính sách được nhiều bộ, ngành đề xuất ban hành và nhiều cơ quan cùng thực hiện, nhưng thiếu sự phối hợp. Trong một văn bản quyết định ban hành thường quy định nhiều chính sách; một nội dung chính sách có khi lại được quy định trong các quyết định khác nhau, có chính sách ban hành theo đối tượng, có chính sách ban hành theo lĩnh vực, có chính sách ban hành theo vùng địa lý...". - Ông Sơn Phước Hoan cho biết thêm.

Cũng theo Thứ trưởng Sơn Phước Hoan, số lượng chính sách nhiều nhưng chất lượng thấp, chính sách ban hành không có đủ nguồn lực thực thi đang là thực tế diễn ra ở nhiều địa phương. Nguyên nhân của vấn đề này chủ yếu là do chúng ta triển khai các chính sách dân tộc, nhưng lại thiếu một hành lang pháp lý trong quá trình thực hiện.

Để khắc phục vấn đề trên, cần cần xây dựng Luật Dân tộc và Công tác dân tộc, để có những hướng dẫn trong thực thi, cũng như kịp thời xử lý những sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách. Đặc biệt, cần khẩn trương rà soát lại toàn bộ các chính sách dân tộc hiện có, khắc phục những bất cập, để chính sách thực sự đi vào đời sống người dân, là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phát triển.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Sơn Phước Hoan cho biết, hiện nay, văn bản pháp lý cao nhất mới chỉ là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 14-1-2011) về công tác dân tộc. Sắp tới, để chấn chỉnh và đưa công tác dân tộc đi vào thực chất hơn, cần có Luật hay Pháp lệnh về vấn đề dân tộc mới đủ căn cứ pháp lý để điều chỉnh.

Cùng quan điểm trên, tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc lần thứ 11, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, ông Ksor Phước đặt câu hỏi: "Tại sao có rất nhiều chính sách dân tộc nhưng thực hiện lại chưa hiệu quả? Chúng ta thiếu hành lang pháp lý về chính sách dân tộc, thiếu cơ chế chịu trách nhiệm và đang yếu ở khâu triển khai".

Ông Ksor Phước cho rằng, hiện nay việc thực hiện chính sách dân tộc đang có quá nhiều đầu mối quản lý, trong khi đó, cơ chế chịu trách nhiệm chưa rõ ràng và quyết liệt. Tuy đã có quy định về phân cấp, phân quyền cho địa phương nhưng lại chưa triệt để, thực tế là có phân cấp nhưng không phân quyền. Đôi khi, địa phương cứ phải "chạy đi, chạy lại", không chủ động được trong việc thực hiện các chương trình theo thực tế của địa phương.

Được biết, mới đây UBDT đã vận động Ngân hàng thế giới hỗ trợ 2,2 tỷ đồng để phục vụ công tác xây dựng Luật Dân tộc và Công tác dân tộc. Theo ông Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, việc xây dựng Luật Dân tộc và Công tác dân tộc sẽ khắc phục được việc thực hiện "chính sách theo nhiệm kỳ".

Bộ trưởng Giàng Seo Phử hy vọng với luật này sẽ có điều kiện xây dựng chính sách "dài hơi" hơn cho vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn. Thời gian tới, với sự hỗ trợ tài chính của Ngân hàng thế giới, UBDT sẽ chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật trình các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam để sớm được ban hành.

Bình Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chinh-sach-nhieu-nhung-chat-luong-chua-cao/