Những bê bối của Huawei khiến Trung Quốc ngày càng 'cô đơn'

Mỹ và nhiều đồng minh châu Âu thời gian qua liên tiếp gây áp lực lên các chính sách ngoại giao của Bắc Kinh, phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ những bê bối của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei.

Năm 2017 tại diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận được cơn mưa lời khen từ các chính phủ và các doanh nhân trên thế giới với bài phát biểu ủng hộ toàn cầu hóa và tự do thương mại.

"Đây là bài phát biểu rất quan trọng và một thời điểm quan trọng", ông Klaus Schwab, người sáng lập diễn đàn nhận xét.

Tuy nhiên chỉ 2 năm sau, thế giới đang hoài nghi Trung Quốc và Bắc Kinh phải đối mặt với ngày càng nhiều các phản ứng không mấy tích cực, nguyên nhân bắt nguồn từ các bê bối liên quan công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei và các động thái phản ứng của chính phủ Trung Quốc như bắt giữ công dân Canada và chỉ trích các quốc gia đối xử bất công với công ty Trung Quốc, những hành động được cho là phản tác dụng.

Từ đầu tháng 12/2018 hàng loạt quốc gia kêu gọi tẩy chay gã viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc với lo ngại mạng lưới 5G mà tập đoàn này phát triển được phục vụ cho mục đích gián điệp của chính phủ.

Những áp lực từ bê bối của Huawei

Kể từ đầu năm 2019, mối lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc từ phương Tây ngày càng tập trung vào Huawei. Tập đoàn do ông Nhậm Chính Phi sáng lập là một biểu tượng cho sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc trong suốt 30 năm qua và đang trở thành nhà cung cấp 5G hàng đầu thế giới.

Mỹ đang tìm cách gây áp lực buộc các đồng minh ngừng sử dụng công nghệ của Huawei, viện dẫn các liên hệ tiềm tàng giữa công ty này với chính phủ Trung Quốc.

Trong chuyến thăm tới châu Âu hôm 11/2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tối hậu thư: Hoặc Mỹ hoặc Trung Quốc.

Video: Toàn cảnh vụ Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei

"Nếu thiết bị của Huawei đặt ở những nơi đặt các hệ thống quan trọng của Mỹ, sẽ khó khăn hơn cho chúng tôi khi hợp tác với họ", ông Pompeo cho biết.

Trong vài tháng trở lại đây Đức, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Lithuania và Anh cũng bắt đầu lên tiếng quan ngại về Huawei.

Vào tháng 11/2018, New Zealand cấm sử dụng công nghệ của Huawei trong dự án 5G của nước này trong khi gã khồng lồ viễn thông của Anh Vodafone trong tháng 1 đã đình chỉ việc sử dụng công nghệ Huawei của tập đoàn này ở châu Âu.

Những diễn biến tiêu cực này buộc Huawei phải lên tiếng trấn an các khách hàng rằng các dữ liệu của họ sẽ không được trao lại cho chính phủ Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 1/2019, ông Nhậm Chính Phi cũng khẳng định công ty của ông không bao giờ làm tổn hại tới khách hàng.

Nhưng các đồng minh của Mỹ cho rằng các lo ngại về gián điệp công nghệ số của Trung Quốc là có cơ sở.

Cuối tháng 12, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc làm việc với một nhóm được biết đến là APT 10 để nhắm mục tiêu thu thập các dữ liệu sở hữu trí tuệ và thương mại nhạy cảm ở châu Â, châu Á và Mỹ.

Đầu tháng 12, Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou theo yêu cầu của Mỹ. Các nhà quan sát cho rằng, động thái này cho thấy phản ứng của Mỹ và các đồng minh lần đầu tiên công khai xác nhận Huawei không phải là một công ty bình thường và Huawei nắm giữ một vị trí đặc biệt quan trong mắt giới chức Trung Quốc. Và đó là lý do để các chính phủ phương Tây viện dẫn khi bắt đầu thay đổi cách tiếp cận của họ với Huawei.

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-be-boi-cua-huawei-khien-trung-quoc-ngay-cang-co-don-d457935.html