Chính sách nào cho người già khởi nghiệp?

Đây là chất vấn của đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong đặt ra cho bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại phiên điều trần được Ủy ban Về các vấn đề xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần phải lên án quan điểm coi người khuyết tật là gánh nặng - Ảnh: Lê Kiên

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần phải lên án quan điểm coi người khuyết tật là gánh nặng - Ảnh: Lê Kiên

Chủ đề của phiên điều trần là "việc thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật".

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận: "Thực tế số lượng người khuyết tật còn cao hơn rất nhiều so với số đang được hưởng chính sách hiện nay. Nhiều cháu nhỏ, nhiều người khuyết tật còn thiệt thòi lắm".

Phải khẩn trương ứng phó với già hóa dân số

Theo bộ trưởng, hiện nay cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (trong đó 7,2 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn) và 6,5 triệu người khuyết tật. Phần lớn trong số này đang phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, chịu hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội.

"Mức trợ cấp xã hội của người cao tuổi, người khuyết tật hiện nay thấp, chỉ bằng 30% chuẩn nghèo ở đô thị và 40% chuẩn nghèo ở nông thôn.

Công tác trị liệu, đặc biệt là trị liệu về tâm lý, vẫn rất thấp. Rào cản về tiếp cận thông tin, tiếp cận giao thông còn rất khó khăn. Một trong vấn đề dễ thấy nhất là khi xây dựng các công trình công cộng vẫn rất ít dành làn đường riêng để hỗ trợ người khuyết tật" - ông Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết hiện nay trên 40% người cao tuổi Việt Nam sau khi nghỉ hưu vẫn phải tiếp tục lao động. Trong xu hướng già hóa dân số thì đây là vấn đề cần phải suy nghĩ. Ở nước Nhật còn có chính sách khởi nghiệp cho người già.

Nghe bộ trưởng nêu vấn đề, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong chất vấn ngay: "Như bộ trưởng nói thì cần có chính sách giúp người già được khởi nghiệp, được tiếp tục làm việc, tôi cũng đồng ý là như vậy.

Nhưng hiện nay thì dường như chúng ta chưa có chính sách gì, ví dụ như người già cần vốn để sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình thì cũng rất khó tiếp cận. Vậy bộ trưởng sẽ đề xuất chính sách như thế nào?".

Không đề cập đến chính sách cụ thể, bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ khẳng định Việt Nam phải nghiên cứu rất nhanh chính sách đối với người cao tuổi, đặc biệt là chính sách để người cao tuổi tiếp tục lao động, bởi xu hướng già hóa dân số đã đến rất gần.

"Đây là vấn đề tôi đã nói nhiều lần, chính sách của chúng ta hiện nay vẫn chưa mang tính tổng thể, bài bản" - ông Dung nói.

Các đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Trần Thị Hiền (Hà Nam) chất vấn về mức trợ cấp xã hội 270.000 đồng/tháng là rất thấp, lại không phân biệt giữa thành thị và nông thôn. "Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động nâng lên 30% mức trợ cấp đối với người cao tuổi, nhưng khi tiếp xúc cử tri vẫn đề nghị phải tăng thêm" - bà Lan cho biết.

Đồng cảm, ông Dung nói rằng đây là vấn đề "cá nhân tôi rất băn khoăn, tôi cũng đã trao đổi với các cơ quan tham mưu trong bộ là phải trình Chính phủ nâng lên mức mới, không thể để mức 270.000 đồng như hiện nay".

Người tự kỷ có phải là người khuyết tật ?

"Chúng ta có xem người tự kỷ là người khuyết tật hay không? Hiện nay người tự kỷ dường như không được hưởng các chính sách đối với người khuyết tật. Đây là vấn đề lớn cần quan tâm, đề nghị bộ trưởng cho biết quan điểm của bộ trưởng?" - đại biểu Đặng Thuần Phong chất vấn.

"Gần đây, ở các địa phương có hai đối tượng gia tăng rất nhanh, thứ nhất là người tự kỷ, thứ hai là người bị tâm thần. Các địa phương liên tục đề nghị bộ trưởng giúp đỡ cho xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần. Chúng tôi cũng rất quan ngại vì có những địa phương đã phải đưa người tâm thần vào trung tâm bảo trợ xã hội, thậm chí đưa cả vào trung tâm nuôi dưỡng người có công" - bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời.

Ông khẳng định: "Người tự kỷ là người khuyết tật. Chúng tôi đã quy định trong thông tư đầu năm 2019, nhưng vì quy định mới quá nên chắc chưa triển khai triệt để được đến cơ sở".

Đến lượt mình, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến lại nói: "Quan điểm cá nhân tôi thì người bị tự kỷ nên xếp vào đối tượng bệnh, không nên xếp vào đối tượng bị tật như quy định hiện nay. Hiện nay, theo các nghiên cứu mới nhất, người mắc chứng tự kỷ có khả năng là do gen, và nếu do gen thì chúng ta có thể nghiên cứu để chữa được".

"Thứ trưởng Bộ Y tế nói về tự kỷ như vậy là sai" - bà Hoàng Thị Khánh, chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM, lên tiếng.

Bà Khánh khẳng định: "Tự kỷ là dạng khuyết tật chứ không phải bệnh. Nói rằng tỉ lệ gần đây gia tăng cũng không đúng. Bởi vì trước đây chúng ta chưa quan tâm như hiện nay, các gia đình cũng chưa sẵn sàng, chủ động đưa các em đi khám nên chưa phát hiện, chưa thống kê. Gần đây, có bệnh viện ở TP.HCM nói rằng số lượng các gia đình đưa trẻ đến để xác định mức độ tự kỷ cao gấp 100 lần trước đây".

Bộ trưởng lên án việc coi người khuyết tật như gánh nặng

Nói thêm về nhận thức của các cấp chính quyền, của cộng đồng về việc chăm sóc người khuyết tật, bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định việc chăm lo cho người khuyết tật là trách nhiệm chính của nhà nước.

Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống của người khuyết tật, nếu như ai đó, cấp nào đó coi người khuyết tật coi người khuyết tật như gánh nặng, rồi né tránh thì cần bị lên án.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/chinh-sach-nao-cho-nguoi-gia-khoi-nghiep-155962.html