Chính sách mới về bảo hiểm y tế được nêu bật

Vừa qua, BHXH Việt Nam phối hợp với LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh và báo Lao Động tổ chức chương trình 'Tư vấn, đối thoại chính sách BHXH, BHYT' cho gần 1.000 CNLĐ và cán bộ công đoàn (CĐ) đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại đây, các chuyên gia cung cấp nhiều điểm mới trong chính sách BHYT chính thức có hiệu lực từ ngày 1.12.2018.

 Bà Hoàng Thị Kim Ngọc - Trưởng Phòng chế độ BHYT, Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) chia sẻ tại chương trình tư vấn. Ảnh: TRẦN VƯƠNG

Bà Hoàng Thị Kim Ngọc - Trưởng Phòng chế độ BHYT, Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) chia sẻ tại chương trình tư vấn. Ảnh: TRẦN VƯƠNG

Nghị định 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1.12.2018, thay thế Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15.11.2014 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24.11.2014. Theo đó, Nghị định 146 có một số điểm mới cần lưu ý là bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT; quy định tham gia theo hộ gia đình; bỏ quy định giao quỹ khám, chữa bệnh (KCB) cho cơ sở KCB (kể cả trạm y tế xã). Thay vào đó là giao tổng mức thanh toán; sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về thanh toán chi phí KCB; quy định cụ thể hơn về hợp đồng KCB BHYT.

Nghị định 146 cũng bổ sung đối tượng tham gia BHYT, gồm: Nhóm do ngân sách nhà nước đóng: Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg; Thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975; Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.

Nhóm tham gia BHYT theo diện hộ gia đình, gồm: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, không phải đối tượng thuộc các nhóm 1, 2, 3, 4 trong Luật BHYT quy định. Bổ sung nhóm do người sử dụng lao động đóng, gồm: Thân nhân công nhân, viên chức quốc phòng, công an và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu đang phục vụ trong quân đội, công an và cơ yếu.

Giải quyết quyền lợi KCB BHYT trong giai đoạn chuyển tiếp, bà Hoàng Thị Kim Ngọc - Trưởng Phòng chế độ BHYT, Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) - cho biết, với những trường hợp vào viện trước ngày 1.12.2018, ra viện từ ngày 1.12.2018, người lao động có thẻ BHYT mới hoặc tra cứu trên cổng tiếp nhận đã được đổi mã thẻ hoặc mã mức hưởng mới sẽ được giải quyết quyền lợi KCB từ ngày thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng. Bên cạnh đó, với trường hợp chưa có thẻ BHYT mới, chưa đổi mã thẻ và mã mức hưởng trên cổng tiếp nhận sẽ giải quyết theo thẻ BHYT cũ. Từ đó, cơ quan BHXH đề nghị cơ sở KCB tra cứu trên cổng tiếp nhận.

Trường hợp bệnh nhân đang điều trị nội trú, thẻ hết hạn sử dụng, họ được tiếp tục hưởng BHYT đến khi ra viện, nhưng tối đa 15 ngày. Bên cạnh đó, cơ sở KCB và BHXH phối hợp để cấp thẻ BHYT cho người bệnh kịp thời trước khi ra viện. Ngoài ra, đối với KCB ngoại trú, thời điểm người bệnh đến khám bệnh mà thẻ BHYT hết hạn thì không giải quyết hưởng BHYT. Với thẻ BHYT chưa hết hạn sử dụng, việc khám, cấp thuốc theo chỉ định của thầy thuốc (không phụ thuộc thời gian sử dụng còn lại của thẻ).

Sau khi nghe các chuyên gia cung cấp những điểm mới trong chính sách BHYT vừa có hiệu lực, rất nhiều người lao động đã đặt câu hỏi liên quan đến trường hợp cụ thể họ đang gặp phải. Chị Nguyễn Thị Thanh - công nhân của một công ty trên địa bàn Bắc Ninh thắc mắc: “Trong trường hợp điều trị nội trú, thẻ hết hạn, trong luật có quy định tối đa 15 ngày phải nhận được thẻ mới. Nếu trường hợp sau 15 ngày không nhận được thẻ mới, NLĐ có phải chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh đấy không?”.

Với câu hỏi này, ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam tư vấn: “Thủ tục đi KCB là phải có thẻ BHYT thì mới được hưởng quyền lợi. Có nghĩa trong thời gian chuẩn bị hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải làm thủ tục đổi thẻ BHYT vì lúc đấy mã thẻ không phải mã của người lao động nữa mà chuyển sang mã của đối tượng thất nghiệp, cơ quan BHXH sẽ cấp cho người lao động 1 thẻ BHYT mới để đi KCB. Trong trường hợp thẻ hết hạn, cơ quan BHXH sẽ phải phối hợp với cơ sở KCB để cấp thẻ lại nối tiếp với thẻ cũ. Còn trong trường hợp chưa cấp được thẻ mới thì người lao động sẽ phải tự chi trả”.

Theo các luật sư, chuyên gia tư vấn tại chương trình này, rất nhiều người lao động hỏi về những điểm mới trong chính sách BHYT. Tại đây, họ được giải đáp ngay những thắc mắc và được trang bị kiến thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

ANH THƯ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/chinh-sach-moi-ve-bao-hiem-y-te-duoc-neu-bat-650629.ldo