Chính sách mới giúp thị trường bất động sản sớm phục hồi

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP với tinh thần rõ ràng, dứt khoát, chỉ đạo những vấn đề đang tạo khó khăn cho thị trường bất động sản. Do vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tin tưởng những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường sẽ được khơi thông và doanh nghiệp sớm hồi phục.

Tháo gỡ khó khăn về vốn và pháp lý

Đánh giá về Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2023 về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nghị quyết mang lại thông tin tích cực cho doanh nghiệp và thị trường BĐS.

Tuy nhiên, nghị quyết mang tính gợi ý, còn cụ thể triển khai thì phải cần các bộ, ngành, cơ quan liên quan có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để hiện thực hóa các giải pháp.

Nghị quyết số 33/NQ-CP giúp doanh nghiệp bất động sản tin tưởng những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường sẽ sớm được khơi thông. Ảnh: Văn Nam.

Nghị quyết số 33/NQ-CP giúp doanh nghiệp bất động sản tin tưởng những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường sẽ sớm được khơi thông. Ảnh: Văn Nam.

Như đối với giải pháp giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ… rất khó để các ngân hàng thương mại thực hiện nếu không có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước. Các yêu cầu về điều kiện cho vay, chuyển nhóm nợ, hệ số rủi ro đều phải được thực hiện, bởi nếu doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ rơi vào thế khó. Để đủ điều kiện được ngân hàng xem xét giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ thì quan trọng nhất là doanh nghiệp BĐS phải giảm giá nhà để bán được hàng.

Việc quy định hoãn nợ, giãn nợ thời điểm này là cần thiết

Theo ông Phạm Đức Toản, khi các vấn đề pháp lý tồn tại của dự án chưa được giải quyết, chủ đầu tư cũng không thể có sản phẩm bán ra thị trường. Thực trạng này khiến doanh nghiệp không có dòng tiền, dù tài sản vẫn có. Do đó, việc quy định hoãn nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn thời điểm này hoàn toàn cần thiết.

Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ, Nghị quyết 33 là bước tiếp theo chương trình tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS của Chính phủ. Tại nghị quyết này, Chính phủ chỉ đạo tập trung tháo gỡ hai nút thắt chính của thị trường BĐS là vướng mắc pháp lý và tắc nghẽn dòng tiền.

Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị quyết 33 là Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cùng với đó là có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp BĐS khó khăn như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…

Bên cạnh đó, các dự án BĐS có đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm và kế hoạch trả nợ cũng sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng.

“Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp BĐS hiện nay là do lãi suất vay quá cao, gây đình trệ cho tất cả các hoạt động. Lãi suất cao, doanh nghiệp không dám vay, vay làm cũng không có lãi, trừ doanh nghiệp đang ở giai đoạn quá khó khăn mới đi vay. Còn đối với một số doanh nghiệp mới đang có kế hoạch phát triển thì đã dừng lại, giãn tiến độ, chứ không chấp nhận vay lúc này” - ông Toản cho hay.

Tạo động lực phát triển phân khúc nhà ở xã hội

Theo các chuyên gia, Nghị quyết 33 sẽ tạo ra động lực phát triển phân khúc nhà ở xã hội, người có thu nhập thấp. Cụ thể, các vấn đề về quy hoạch, bố trí quỹ đất, quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư, xác định giá và đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội… đã được định hướng rõ ràng.

Đồng thời, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn góp của 4 ngân hàng lớn, cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Mức lãi suất gói tín dụng này sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trong từng thời kỳ.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, tại thời điểm này cần có những quy định cụ thể để triển khai gói 120 nghìn tỷ đồng mà ngân hàng vừa công bố. Đây là liều "thuốc bổ" có giá trị đối với thị trường, nhưng cũng cần quy định rất cụ thể, trong đó quy định rõ đối tượng những nhóm được tiếp cận nguồn vốn này.

Các dự án BĐS có đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm và kế hoạch trả nợ cũng sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng. Ảnh: Văn Nam.

Bên cạnh đó, ngoài những nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, bình dân cũng cần lưu ý những dự án BĐS đang ở giai đoạn gần hoàn thành, nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn thì cũng cần quan tâm, kể cả là dự án nhà ở cao cấp, trung cấp. Nếu được giải tỏa, sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường, sẽ mang lại ý nghĩa và giá trị nhất định.

“Có thể thấy, Nghị quyết 33 ra đời đã kịp thời gỡ khó những điểm nghẽn cần khơi thông cho thị trường BĐS trong thời điểm hiện nay. Đây là một cơ hội mà các doanh nghiệp BĐS cần tận dụng để tái cơ cấu lại các sản phẩm cung ứng phân khúc nhà phù hợp với đại bộ phận người dân. Đặc biệt, chú trọng quản trị doanh nghiệp cũng như nguồn vốn cho thật hiệu quả” - ông Đính nhấn mạnh.

Về dài hạn, doanh nghiệp bất động sản phải tự tái cấu trúc lại mình

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đến thời điểm đáo hạn trong khoảng thời gian năm 2023 - 2024 đã có các quy định giúp doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để đẩy lùi thời gian đáo hạn, hoán đổi nợ trái phiếu sang tài sản khác… Nghị quyết 33 cũng chỉ có thể coi như “phao cứu sinh” tạm thời cho các doanh nghiệp BĐS cầm cự trong thời gian ngắn hạn, đặc biệt với những dự án BĐS có tính khả thi. Còn về dài hạn, doanh nghiệp BĐS phải tự tái cấu trúc lại mình.

Văn Nam

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-moi-giup-thi-truong-bat-dong-san-som-phuc-hoi-124691.html