Chính sách mới của Nhật Bản đối với lao động nước ngoài - Bài 2

Trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản coi việc mở rộng cửa hơn để tiếp nhận lao động nước ngoài là động thái quan trọng trong chính sách tăng trưởng kinh tế Abenomics, giới chuyên gia và phe đối lập đã nêu ra những thách thức mà biện pháp này phải đối mặt, trong khi người dân có cái nhìn cởi mở hơn.

Những vấn đề gây tranh cãi

Ông Nagatsuma Akira, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Lập hiến, đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản, cho biết chính phủ đang tìm cách tăng số lao động nước ngoài, nhưng lại không thảo luận các vấn đề như giảng dạy tiếng Nhật, nhà ở và an sinh xã hội.

Người lao động nhập cư tại Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times

Người lao động nhập cư tại Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times

Có ý kiến lo ngại về hậu quả đối với việc làm của người Nhật Bản, cũng như vấn đề hạ tầng, môi trường và bảo đảm an toàn xã hội khi lượng lao động nhập cư lớn đổ vào nước này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tuyển dụng sẽ phải đối mặt với một trách nhiệm nặng nề hơn trong các thủ tục hành chính, giải quyết chế độ an sinh, phúc lợi như bảo hiểm thất nghiệp.

Thách thức đầu tiên là khả năng hòa nhập với xã hội Nhật Bản. Những công nhân nước ngoài với trình độ tiếng Nhật hạn chế sẽ đối mặt với khó khăn khi mở tài khoản ngân hàng và điều này cuối cùng ảnh hưởng đến việc họ nhận được lương.

Hiện chính phủ đang nghiên cứu các biện pháp nhằm giúp các công nhân này có thể nhận lương mà không cần có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, đã có đề xuất thành lập một văn phòng đa ngôn ngữ thực hiện các nhiệm vụ như đặt lịch hẹn khám với bác sĩ, thuê nhà, học tiếng Nhật,…

Một quan ngại khác là công nhân nước ngoài có thể vi phạm giấy phép lao động. Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ kiểm tra chặt chẽ tư cách của công nhân nước ngoài, trong đó có cả công việc, ngành nghề mà họ được tuyển dụng trong thời gian làm việc tại Nhật Bản.

Các cơ quan chức năng còn dự định sẽ kiểm tra những lao động nước ngoài có bảo hiểm hay không, yêu cầu các lao động và bên tuyển dụng đăng ký bảo hiểm nếu họ chưa có.

Chính phủ khẳng định sẽ đưa ra tiêu chuẩn khắt khe đối với việc chuyển đổi từ visa loại 1 sang visa loại 2, song các nghị sĩ đối lập nhận định điều đó có thể sẽ không phù hợp với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.

Các tu nghiệp sinh sang Nhật Bản theo Chương trình đào tạo tu nghiệp sinh kỹ thuật hiện nay, sau khi kết thúc 5 năm tu nghiệp sinh có thể sẽ tiếp tục làm việc tại Nhật Bản theo visa loại 1 trong chế độ visa mới.

Đến khi visa mới hết hạn, họ sẽ ở Nhật Bản tổng cộng 10 năm, đã sở hữu thành thạo những kỹ năng đủ để họ giữ các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, và lúc đó, các chủ tuyển dụng sẽ muốn lao động nước ngoài xin chuyển đổi sang visa loại 2 để giữ họ lại làm việc.

Một vấn đề nữa là không có quy định về yêu cầu bằng cấp học vấn. Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, ở thời điểm hiện tại, hai loại visa mới không yêu cầu có bằng cấp chứng minh học vấn nhưng có yêu cầu phải đạt trình độ tiếng Nhật ở mức nhất định, cùng với các bài thi khác để kiểm tra kỹ năng nghề của ứng viên cho công việc họ ứng tuyển.

Viện trưởng Nghiên cứu Nhân sự toàn cầu, ông Yohei Shibasaki, đánh giá các bài thi là cần thiết, song sẽ không thể đánh giá toàn diện vì trình độ tiếng Nhật có thể sẽ được quy định ở mức tương đối thấp.

Nhật Bản đã áp dụng những cơ chế kiểm soát lao động nước ngoài nhằm giữ xã hội Nhật Bản được đồng nhất. Bởi vậy, một số đảng đối lập lo ngại dự luật mới sẽ mở đường để người nước ngoài được phép định cư không xác định thời hạn tại Nhật Bản, trong khi một số khác đề cập nguy cơ gây nên sự bất ổn trong xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe khẳng định: “Dự luật không phải là chính sách nhập cư. Hệ thống này được xây dựng dựa trên lập luận rằng công nhân nước ngoài làm việc trong những ngành nghề thiếu lao động trong một khoảng thời gian xác định và trong một số trường họp nhất định, họ không được mang theo gia đình sang Nhật Bản sinh sống”.

Ngoài ra, vẫn còn một số vấn đề chưa được làm rõ như cách thức tiến hành tuyển dụng, vai trò của các quốc gia có lao động nước ngoài sẽ tham gia ứng tuyển theo chế độ visa mới, quá trình chuyển đổi từ visa tu nghiệp sinh sang visa loại 1 và từ visa loại 1 sang visa loại 2 sẽ được thực hiện ngay trong thời gian ứng viên đang còn làm việc tại Nhật Bản, hay ứng viên chỉ được xin chuyển đổi sau khi hoàn thành thời gian làm việc và đã về nước,…

Hai cơ chế khác biệt

Trong khi Đảng Dân chủ Lập hiến cho rằng thay vì tìm cách thuyết phục Quốc hội thông qua dự luật mới, chính phủ nên dành ưu tiên cho việc điều chỉnh Chương trình Đào tạo tu nghiệp sinh kỹ thuật hiện tại trước khi mở rộng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài.

Tuy nhiên, theo giải thích của chính phủ, Chương trình đào tạo tu nghiệp sinh kỹ thuật và dự luật giới thiệu hai tư cách lưu trú mới là hai cơ chế hoàn toàn khác biệt.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Dự luật mới được chính phủ xác định là một biện pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực của Nhật Bản. Lao động nước ngoài đi theo chương trình này được hưởng lương và các chế độ an sinh tương đương với người Nhật Bản.

Trong khi đó, Chương trình đào tạo tu nghiệp sinh kỹ thuật không phải là biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động. Chương trình này được thiết lập với mục tiêu đào tạo nhân lực và chuyển giao kỹ thuật công nghệ nhằm giúp các nước phái cử tu nghiệp sinh phát triển kinh tế.

Chính phủ Nhật Bản phối hợp với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, thực hiện chương trình này trong nhiều năm qua. Các nước đang phát triển đưa tu nghiệp sinh sang làm việc tại Nhật Bản trong 3 năm để học tập các kỹ thuật tiên tiến, sau đó sẽ đem về ứng dụng tại quê hương.

Vì vậy, chỉ một số ngành nhất định có tính chất kỹ thuật, công nghệ mới được nhận tu nghiệp sinh. Trong thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản, các tu nghiệp sinh được hưởng lương và các chế độ khác theo tiêu chuẩn dành cho tu nghiệp sinh học việc, tức là thấp hơn so với công nhân chính thức.

Trong bối cảnh vẫn còn tranh cãi xung quanh dự luật trên, các nhà kinh tế cho rằng cần tăng gấp đôi số lao động nước ngoài tại Nhật Bản mới có thể bù đắp cho việc suy giảm dân số trong độ tuổi lao động trong thập niên tới.

Kết quả thăm dò của hãng tin Kyodo News và Nikkei đều cho thấy đa số người được hỏi ủng hộ dự luật mới về lao động nhập cư. Có 54% bày tỏ ủng hộ và có 34% phản đối. Điều đặc biệt là đại đa số thanh niên bày tỏ ủng hộ trong khi người già thì tỏ ra thận trọng hơn.

Nếu được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này, dự kiến kết thúc vào ngày 10/12, dự luật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4/2019. Nhật Bản dự kiến sẽ nâng cấp Cục Nhập cư thành cơ quan trực thuộc chính phủ, tăng số nhân viên để đáp ứng khối lượng công việc lớn hơn khi số lao động nước ngoài tăng lên.

Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/chinh-sach-moi-cua-nhat-ban-doi-voi-lao-dong-nuoc-ngoai-bai-2-20181115090650544.htm