Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10-2020

Nhiều chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng; phải nộp chi phí khi cắt, cấp điện trở lại; làm hư hại cột cờ, bia chủ quyền biên giới, phạt đến 100 triệu đồng... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 10-2020.

Bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15-10. Theo Điều 15, hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu như sau:

Đặc biệt, phạt tiền gấp 2 lần bảng nêu trên (tương đương tối đa 100 triệu đồng) đối với cá nhân: người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).

Tăng mức phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can, chai

Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Cụ thể, hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mi-ni, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ở địa bàn miền núi, vùng cao… được làm đại lý bán lẻ xăng dầu phù hợp điều kiện kinh doanh xăng dầu khu vực đó). Trong khi đó, hiện nay, theo quy định tại Khoản 2, Điều 30 Nghị định số 67/2017/NĐ-CP, mức tiền phạt với hành vi nêu trên là từ 2-4 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi vi phạm nêu trên còn bị tịch thu tang vật, phương tiện; bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được. Nghị định 99 cũng quy định, nếu tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định, thì bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng (hiện nay mức phạt này đang là 40 - 60 triệu đồng). Nghị định có hiệu lực từ ngày 11-10.

Phải nộp đến 339.000 đồng/lần khi cắt, cấp điện trở lại

Ngày 9-9, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 23/2020/TT-BCT quy định về phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại, có hiệu lực từ ngày 30-10. Cụ thể, mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại cơ sở (M) là mức chi phí cho 1 lần ngừng, cấp điện trở lại tại khu vực đồng bằng, có khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện đến địa điểm thực hiện từ 5km trở xuống theo công thức: M = chi phí nhân công + chi phí đi lại. Trong đó: chi phí nhân công tính theo các yếu tố gồm mức lương cơ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho 1 ngày công, hệ số lương bậc thợ, hệ số phụ cấp lưu động và số công cho một lần đóng cắt theo các cấp điện áp. Chi phí đi lại là chi phí đi lại để thực hiện cho một lần ngừng, cấp điện trở lại.

Theo thông tư, tại điểm có cấp điện áp từ 0,38 kV trở xuống, M = 98.000 đồng, tại điểm có cấp điện áp trên 0,38 kV đến 35 kV, M = 231.000 đồng. Tại điểm có cấp điện áp trên 35 kV, M = 339.000 đồng. Phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại do các tổ chức, cá nhân liên quan phải trả cho bên bán điện để thực hiện ngừng, cấp điện trở lại (trong trường hợp ngừng, giảm cấp điện không khẩn cấp). Đó là khi ngừng cấp điện theo yêu cầu để đảm bảo an toàn phục vụ thi công công trình; theo yêu cầu của bên mua điện; ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm bị bên bán điện ngừng cấp điện.

Làm hư hại cột cờ, bia chủ quyền… biên giới, phạt đến 100 triệu đồng

Nghị định số 96/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10-10) quy định phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau: Làm hư hại mốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo; làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia; xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30m tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc hoặc 100m tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; xây dựng trái phép công trình trên sông, suối biên giới. Tuy nhiên, đây là mức phạt đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân, tương ứng 80-100 triệu đồng.

K.N

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-10-2020-a285769.html