Chính sách mới có hiệu lực từ 1/10: Giáo viên mầm non phải học cách quản lý cảm xúc

Giáo viên mầm non được học cách quản lý cảm xúc bản thân, Giám đốc Sở GDĐT không bắt buộc tốt nghiệp Đại học sư phạm, quy định về tốc độ xe cơ giới khi tham gia giao thông… là những chính sách mới có hiệu lực từ 1/10/2019.

Từ tháng 10 năm 2019, hàng năm giáo viên mầm non phải tham gia Chương trình bồi dưỡng quản lý cảm xúc bản thân.

Từ tháng 10 năm 2019, hàng năm giáo viên mầm non phải tham gia Chương trình bồi dưỡng quản lý cảm xúc bản thân.

Xe cơ giới chỉ được chạy tối đa 50km/h tại đường hai chiều khu dân cư đông

Một trong những văn bản đáng chú ý nhất có hiệu lực trong tháng 10/2019 là Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về tốc độ của xe khi tham gia giao thông.

Theo đó, Thông tư quy định rõ tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông. Cụ thể, ở trong khu vực đông dân cư: tốc độ tối đa 60km/giờ nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 2 làn trở lên;

Tốc độ xe máy, ô tô khi tham gia giao thông là 50km/giờ nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe.

Nếu ở ngoài khu vực dân cư, tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông là 90km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 70km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có 2 làn trở lên; Thông tư cũng cho phép tốc độ 80km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 60km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe.

Riêng với xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối), tốc độ tối đa là 40km/giờ, bất kể trên đoạn đường nào và trong khu vực nào. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.

Giáo viên mầm non phải học cách quản lý cảm xúc bản thân

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 12/2019/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 12/10/2019.

Chương trình bồi dưỡng này được tổ chức hàng năm với các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp; Rèn luyện phong cách làm việc khoa học; Đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở mầm non; Kỹ năng sơ cứu trẻ em… và đặc biệt là cách quản lý cảm xúc của bản thân.

Mỗi giáo viên phải tham gia Chương trình bồi dưỡng với thời lượng 120 tiết/năm học.

Giám đốc Sở GDĐT không bắt buộc tốt nghiệp Đại học sư phạm

Từ ngày 24/10/2019, quy định về tiêu chuẩn đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND cấp tỉnh sẽ được áp dụng theo Thông tư 13/2019/TT-BGDĐT.

Theo đó, bên cạnh các tiêu chuẩn chung như: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Có năng lực tập hợp quần chúng… người được xem xét bổ nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn riêng sau:

Tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Đã đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào tạo hoặc chức vụ tương đương trở lên.

Được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và chức danh tương đương.

Huyền Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-110-giao-vien-mam-non-phai-hoc-cach-quan-ly-cam-xuc-post314829.info