Chính sách kiến tạo của bà Suu Kyi gây hoài nghi

Nhà lãnh đạo hàng đầu Myanmar Aung San Suu Kyi đang chạy đua với thời gian để đẩy mạnh tăng trưởng nền kinh tế đất nước trong bối cảnh...

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi phát biểu trong Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018 tại Hà Nội

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi phát biểu trong Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018 tại Hà Nội

Nhà lãnh đạo hàng đầu Myanmar Aung San Suu Kyi đang chạy đua với thời gian để đẩy mạnh tăng trưởng nền kinh tế đất nước trong bối cảnh cuộc bầu cử năm 2020 tới gần.

Thách thức của chính quyền hậu quân quản

Việc đảng Liên đoàn Quốc gia Vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi kỷ niệm năm thứ 3 giành quyền lãnh đạo đất nước ngày 30/3 vừa qua chỉ là một lời nhắc nhở rằng bà còn chưa tới 2 năm để chứng minh cho người dân nước này những tiến bộ rõ rệt đối với nền kinh tế trước cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, theo báo Nikkei Asian Review của Nhật Bản.

Đầu tư và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong 3 năm qua được cho là yếu tố chính đe dọa cơ hội duy trì sự lãnh đạo của đảng NLD cầm quyền.

Các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang e dè với các quy định hay nói chính xác hơn là thiếu cải cách và đã lỗi thời được áp dụng trong nhiều thập kỷ tại Myanmar, cũng như cơ sở hạ tầng thiếu thốn (gồm điện và đường sá). Đồng thời, cuộc khủng hoảng tị nạn Rohingya, vụ việc làm giảm danh tiếng quốc tế của chính phủ bà Suu Kyi cũng là một nguyên nhân.

Nhận xét về đất nước từng trải qua 5 thập kỷ dưới sự điều hành của chính quyền quân quản, ông Filip Lauwerysen, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu ở Myanmar cho rằng: Nhiều quan chức trong các bộ, ngành của Myanmar muốn thay đổi các chính sách cũ, nhưng họ bị mắc kẹt trong những di sản của bộ máy điều hành cách đây nhiều năm.

Theo ông Lauwerysen, dân chủ hóa và sự lên ngôi chính trị của người đoạt giải Nobel Hòa bình Suu Kyi đã từng mang đến hy vọng về một sự chuyển đổi kinh tế toàn diện tại đất nước Myanmar, nhưng các cán bộ, ngành, cơ quan thuộc Nhà nước của quốc gia gia này hiện đang được trả lương rất thấp, tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao cùng với thiếu sự kết nối giữa các bộ và cơ quan chính phủ.

Đó cũng là lý do khiến đầu tư nước ngoài vào Myanmar liên tục giảm trong 3 năm liên tiếp. Trong đó, đầu tư nước ngoài từ tháng 4/2018 - 2/2019 đạt 3,4 tỷ USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự như vậy, tăng trưởng kinh tế không đáp ứng được kỳ vọng. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước chỉ đạt 6,8% trong năm tài khóa 2017, thấp hơn so với dự báo 7-8%, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Chỉ số GDP trong năm tài khóa tiếp theo cũng tiếp tục tăng trưởng chậm lại, ước tính đạt 6,2%.

Bà Suu Kyi nỗ lực ra sao?

Chính phủ bà Suu Kyi đã giảm các yêu cầu đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ, bán buôn và tài chính, vốn từng bị quản lý nghiêm ngặt thời gian trước. Và trong bối cảnh cuộc bầu cử tháng 11/2020 đang tới gần, Chính phủ Myanmar dường như đẩy nhanh hơn nữa việc nới lỏng các chính sách.

Tại Hội nghị Đầu tư Myanmar ở Thủ đô Naypyitaw hồi tháng 1, bà Suu Kyi đã cam kết tạo môi trường đầu tư thân thiện và thuận lợi cho các công ty nước ngoài. Trước đó, tháng 11/2018, Chính phủ đã thành lập Bộ Đầu tư và Quan hệ kinh tế đối ngoại, một bước tiến đáng kể để tiến tới các hợp lý hóa thủ tục và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

Tuy nhiên, việc thực hiện chậm trễ những lời hứa đã khiến các nhà đầu tư hoài nghi. Chính phủ bà Suu Kyi dự kiến sẽ công bố việc phê duyệt cho 3 công ty bảo hiểm mở chi nhánh kinh doanh tại nước này vào ngày 29/3 vừa qua nhưng họ lại hoãn kế hoạch đến ngày 5/4 vì “quá trình lựa chọn vẫn đang tiếp tục” và không đưa ra lời giải thích đầy đủ.

Ngoài ra, dự án khu công nghiệp trong đặc khu kinh tế Dawei, nhằm tận dụng lợi thế gần Bangkok và một cảng lớn, được đưa ra từ năm 2015, nhưng tới nay vẫn dừng lại ở khâu san lấp mặt bằng. Điều này đã khiến nhiều công ty đặt dấu hỏi về việc chính phủ quan tâm như thế nào tới dự án.

Theo ông Lauwerysen, những yếu tố nêu trên có thể sẽ làm ảnh hưởng tới sự ủng hộ dành cho NLD trong các cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng nếu đảo ngược được sự suy giảm đầu tư, NLD sẽ lại có lợi thế lớn.

Chuyên gia thương mại châu Âu cho biết, các nhà đầu tư phương Tây quan tâm nhiều tới vấn đề Rohingya và họ muốn “chính quyền Myanmar công nhận đây là một vấn đề lớn và đang cố gắng hợp tác để tìm ra giải pháp”.

Thùy Dương

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/chinh-sach-kien-tao-cua-ba-suu-kyi-gay-hoai-nghi-d416277.html