Chính sách giữa trường công và trường tư rất bình đẳng, thực thi còn méo mó

Quan trọng nhất chính là sự công bằng bình đẳng, là cách nhìn của xã hội đối với các trường ngoài công lập. Không thể nhìn kiểu như con đẻ, con nuôi.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13), nêu quan điểm: "Hai nhiệm kỳ làm Đại biểu Quốc hội khóa 12 và 13, tôi có nhiệm vụ theo dõi về văn hóa giáo dục, qua đó tôi thấy có rất nhiều bài học.

Cái quan trọng nhất chính là khâu công bằng bình đẳng, nhưng cách nhìn không phải của nhà nước, mà ở đây là cách nhìn của xã hội đối với giáo dục tư thục và ngoài công lập. Cái nhìn kiểu như con đẻ con nuôi, cái nhìn ghẻ lạnh, đây mới là vấn đề quan trọng.

Nhiều người không thấy được rằng bản thân các cơ sở giáo dục tư thục hoặc ngoài công lập nói chung đều làm một nhiệm vụ rất tốt: Đó là tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Họ đều tham gia vào 3 nội dung rất quan trọng là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Ở góc độ nào họ cũng đều tham gia. Vậy thì tại sao chúng ta lại có quan điểm con đẻ con nuôi? Ngay trong xã hội thì chúng ta thấy hệ thống đại học cũng vậy, rồi hệ thống phổ thông, mầm non… cũng tương tự như vậy. Tôi thấy là việc này đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta".

Theo ông Lê Như Tiến, chính sách của Đảng, Nhà nước thì rất tốt, nhưng đến khâu thực thi thì bị méo mó.

Video: Chính sách rất bình đẳng giữa trường công và trường tư, thực thi còn méo mó.

Ông Lê Như Tiến phát biểu: "Trong cuối nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội khóa 13, tôi có phát biểu: Nếu đầu tư như thế này là trên rải thảm, dưới rải đinh thì các chính sách tốt đẹp của cấp trên đã bị cấp dưới dựng ba-ri-e vô hiệu hóa.

Từ Nghị quyết 35 của Chính phủ, đến Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, rồi Nghị quyết số 19 của Trung ương, cũng có nói: Bảo đảm công bằng bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở các khu đô thị, đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo ngoài công lập.

Tôn vinh cơ hội đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo đối xử công bằng, tạo môi trường canh tranh minh bạch. Không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Tất cả những chính sách của Đảng và Nhà nước đều đặt ra như vậy, nhưng tại sao cứ vào thực hiện, thực tiễn thì chúng ta lại có khoảng cách khác xa? Tôi e hình như lại có tình trạng trên rải thảm, dưới rải đinh.

Bao nhiêu chính sách tốt đẹp hình như không được các cơ sở, các bộ ngành, các tỉnh thành, địa phương… thấu triệt và biến nó thành hành động thực tế, từ cách nhìn cho đến các chính sách về thuế, ưu đãi về đất.

Bao nhiêu khu vực có đất đẹp nhưng không được dành cho xây trường, mà là cho các doanh nghiệp, vậy điều đó chứng tỏ chúng ta đang có cái nhìn gần, rất là xổi, thấy ngân sách địa phương trong một thời gian rất ngắn có thể tăng ngân sách là được.

Chứ cũng không nghĩ đến việc chúng ta không bao giờ sửa sai được khi mà hệ lụy sẽ tác động đến nhiều thế hệ do giáo dục đã bị méo mó bởi cách nhìn, cách đào tạo… thì sẽ không bao giờ sửa được nữa, và nếu có sửa được thì thời gian cũng phải đến hàng trăm năm.

Có thể nói những chủ trương rất lớn mà chúng ta không được hiện thực hóa bởi có rất nhiều rào cản, đặc biệt là các chính sách mà ở đây ai xây dựng? Đó chính là các bộ ngành, các cơ quan tham mưu.

Tôi đề nghị Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổng hợp lại những kiến nghị để gửi lên trên, về Chính phủ có 2 người là đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phụ trách về văn xã và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phụ trách về tài chính.

Nên gửi cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về bên Thuế thì gửi cho Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế và gửi cho Thanh tra Tổng Cục Thuế.

Để các lãnh đạo có động thái, để thấy rằng Tọa đàm, Hội thảo của chúng ta có những khuyến nghị như thế này, và đề nghị các đồng chí lãnh đạo cân nhắc để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, và các cơ quan có trách nhiệm để mà xử lý".

Tùng Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chinh-sach-giua-truong-cong-va-truong-tu-rat-binh-dang-thuc-thi-con-meo-mo-post204432.gd