Hiến kế giải bài toán thiếu hụt lao động

Song song với giải pháp tăng tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp cũng tính đến phương án đưa học sinh, sinh viên tới doanh nghiệp vừa học vừa làm. Điều đó vừa giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, vừa góp phần nâng cao kỹ năng tay nghề cho lao động.

Đưa học sinh vừa học vừa làm tại doanh nghiệp

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) bảo đảm lao động trong tình hình có thể thiếu hụt lao động qua đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã xây dựng phương án sẵn sàng hỗ trợ lao động cho DN trong sản xuất, kinh doanh.

Ảnh minh họa

TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Tổng cục GDNN đang xây dựng 2 phương án hỗ trợ khôi phục lại thị trường lao động, tăng cung ứng lao động hậu Covid-19.

Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại DN. Theo đó, các cơ sở dạy nghề sẽ đưa 500.000 học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2) và 500.000 học sinh, sinh viên thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào làm việc tại DN. Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng gần 200.000 học sinh, sinh viên thuộc cơ sở GDNN có thể tham gia ngay vào thị trường lao động bằng cách thực tập tại DN.

Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của GDNN. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại DN để đảm bảo nâng cao tay nghề.

Hai phương án này có ưu điểm là vừa có thể huy động được học sinh, sinh viên tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thiếu lao động, vừa đảm bảo được mục tiêu nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, đây là phương án nhằm tăng kết nối, liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, tạo động lực để DN tham gia nhiều hơn nữa vào công tác đào tạo.

"Thực tế thời gian qua, với chủ trương tăng cường gắn kết GDNN với DN, nhiều nhà trường đã thực hiện tốt việc hợp tác đào tạo với DN, áp dụng mô hình đào tạo nghề kép, học tập lý thuyết và những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản tại trường, hoàn thiện kỹ năng và tác phong làm việc tại DN. Điều này đã thu được kết quả tốt, góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người học, đáp ứng ngay được yêu cầu của DN" - ông Hùng nói.

Có căn cứ pháp lý hoàn chỉnh

Đại diện Tổng cục GDNN cho rằng, đề xuất về các phương án trên hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật, có căn cứ pháp lý. Bởi theo quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH, thời gian thực hành, thực tập trong một chương trình đào tạo chiếm từ 55% - 75% đối với trình độ trung cấp và từ 50% - 70% đối với trình độ cao đẳng. Theo quy định tại Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH, DN được tham gia giảng dạy tới 40% khối lượng của chương trình đào tạo.

Vì vậy, việc tổ chức thực hành, thực tập do các nhà trường tự chủ, liên kết với các DN lập kế hoạch, tổ chức thực hiện theo quy định của chương trình, phù hợp với các quy định pháp luật. Riêng đối với trường hợp cơ sở GDNN không nằm cùng địa bàn tỉnh với DN thì thực hiện đăng ký bổ sung hoạt động GDNN với những địa điểm đào tạo mới.

Về cách thức thực hiện, có thể cho sinh viên năm cuối năm 2, năm 3 về thực tập tại DN. Trong quá trình thực hành, thực tập có thể kết hợp với việc tổ chức hoàn thành các bài thi kiểm tra kết thúc mô đun thực hành hoặc mô đun tích hợp lý thuyết thực hành hoặc thi tốt nghiệp cuối khóa ngay tại DN để hoàn thành chương trình đào tạo.

Người học có thể trở thành người lao động của ngay DN, nơi thực hành, thực tập sau khi hoàn thành việc đào tạo nếu DN có nhu cầu và người học có nguyện vọng.

Về phương án để học sinh, sinh viên vừa học vừa làm tại DN, Tổng cục GDNN cho biết, mô hình này áp dụng đối với những học sinh, sinh viên đang học những năm đầu. Để giải quyết vấn đề cấp bách về nhân lực lao động cho DN, có thể cho học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại DN theo hình thức vừa học, vừa làm. Các lớp học sinh, sinh viên được bố trí xen kẽ giữa học lý thuyết ở trường và thực hành, thực tập tại DN theo từng tuần hoặc theo từng tháng.

Phân tích về chính sách này, ông Nguyễn Viết Trung - đại diện Hiệp hội Xây dựng, tỏ ra đồng tình. Ông cho biết, trước đây khi còn làm ở trường nghề, ông cũng từng cho sinh viên về DN vừa học vừa làm. Kết quả, học sinh không chỉ được nâng cao tay nghề, ra trường có việc làm mà bản thân DN cũng có được nguồn lao động chất lượng cao, khỏi tốn công đào tạo lại.

"Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải làm tốt khâu liên kết giữa DN và cơ sở GDNN. Nếu học sinh, sinh viên không chất lượng thì DN cũng rất ngại tiếp nhận" - ông Trung chia sẻ.

Ông Đặng Nhân Sự - Trưởng phòng GDNN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, cho biết sở đã thống kê được thành phố có 13.000 sinh viên thuộc diện sắp ra trường. Đây sẽ là nguồn cung lớn lao động cho thành phố.

Hiện, sở này cũng đang kiến nghị sớm tiêm vắc-xin cho số đối tượng này để các em có thể gia nhập thị trường lao động sớm; đồng thời có chính sách quy định cụ thể để nếu cần có thể huy động sinh viên vừa học vừa làm./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hien-ke-giai-bai-toan-thieu-hut-lao-dong-94035.html