Chính sách đất đai dưới góc nhìn của Đảng

Hội nghị Trung ương khóa XIII, khai mạc ngày 4/5/2022, tiếp tục 'hội chẩn', tìm giải pháp căn cơ cho những vấn đề tồn tại quá lâu trong công tác quản lý và sử dụng đất đai để nguồn tài nguyên quan trọng này thực sự trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Ba trong số những nội dung quan trọng nhất được bàn thảo và quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, khai mạc ngày 4/5/2022, đều liên quan đến “công thổ quốc gia”.

Tại hội nghị lần này, Ban chấp hành Trung ương Đảng tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; và tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Đất đai là nguồn tài nguyên rất quý, có giá trị nền tảng lâu dài đối với mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… của đất nước mà nếu quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Tổng Bí thư nói: “Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”.

Thông điệp của người đứng đầu Đảng ta về những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất là rất rõ ràng, khi ông đặt ra hàng loạt câu hỏi: vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?...

Cách đây gần 10 năm, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai, khiến lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch “ngầm” còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…

Sau 10 năm nhìn lại, mới thấy những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai nêu tại Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) vẫn chậm được khắc phục.

Đảng đã “bắt đúng mạch”, chỉ rõ “bệnh” trong công tác quản lý và sử dụng đất, cũng như nguyên nhân gây “bệnh”, đồng thời kê “toa”, chỉ định liệu pháp điều trị, nhưng sao “bệnh” không chuyển?

Hội nghị Trung ương lần này tiếp tục “hội chẩn”, tìm giải pháp căn cơ cho những vấn đề tồn tại quá lâu trong công tác quản lý và sử dụng đất đai để nguồn tài nguyên quan trọng này thực sự trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại hội nghị quan trọng này về các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai sẽ là định hướng và căn cứ quan trọng để điều chỉnh Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác, các văn bản dưới luật cũng như các chính sách liên quan đến đất đai cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

Bộ phận cấu thành quan trọng nhất của bất động sản chính là đất mà sự thiếu lành mạnh, chưa bền vững và những rủi ro tiềm ẩn của thị trường bất động sản, trong phần lớn các trường hợp, có nguyên nhân từ đất đai.

Để phục vụ kịp thời một nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), ngày 6/5/2022 Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế”.

Nội dung cuộc tọa đàm đã góp phần lý giải vấn đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại Hội nghị Trung ương là vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?.

Nguyễn Quốc Uy -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chinh-sach-dat-dai-duoi-goc-nhin-cua-dang.htm