Chính sách đại đoàn kết dân tộc có tác động rất lớn

Hòa thượng Thích Tịnh Quang bày tỏ những suy nghĩ về chính sách đại đoàn kết dân tộc cũng như đường hướng phát triển phật giáo Việt Nam

Về dự Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, có nhiều tăng ni, phật tử Việt Nam ở hải ngoại. Đây là cơ hội để họ gặp gỡ, giao lưu với các đại biểu trong nước, giúp phật giáo trong nước và ngoài nước thêm gắn bó.

Bên cạnh đó, họ cũng bày tỏ những suy nghĩ riêng của mình về chính sách đại đoàn kết dân tộc cũng như đường hướng phát triển phật giáo Việt Nam trong những năm tới.

Hòa thượng Thích Tịnh Quang.

Phóng viên VOV đã phỏng vấn Hòa thượng Thích Tịnh Quang, trụ trì chùa Khuông Việt- Pháp. Hòa thượng Tịnh Quang còn chăm lo công tác phật sự ở một số nước châu Âu.

PV: Thưa hòa thượng Thích Tịnh Quang, ông sang Pháp từ khi nào và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của bà con phật tử bên đó ra sao?

Hòa thượng Thích Tịnh Quang: Tôi sang Pháp năm 1995. Trách nhiệm của chúng tôi là hướng dẫn bà con trên con đường tâm linh, giúp bà con sống nhẹ nhàng, có ý nghĩa. Ở châu Âu, đời sống công nghiệp, thời gian rất quý. Họ chỉ được nghỉ 1 ngày chủ nhật và nếu họ đã đến chùa thì phải là những người thật sự tâm huyết.

Ở bên đó, dựng nên một ngôi chùa đã khó, có người để trông coi và trụ trì càng khó hơn bởi phải thật sự hiểu đời sống của bà con bên đó. Chúng tôi thường phải đưa các thầy từ Việt Nam sang và lựa chọn rất kỹ.

PV: Việc sinh hoạt của bà con Phật tử bên đó có khác gì với sinh hoạt của phật tử trong nước, thưa hòa thượng?

Hòa thượng Thích Tịnh Quang: Sinh hoạt của nhà chùa có nhiều hình thức, tùy theo các nhóm phật tử. Đáng chú ý là những người đi vượt biên, họ cũng giữ trong lòng nhiều định kiến. Lúc trước, họ nhìn mình với cặp mắt xa lạ nhưng nay thì khác.

Khi họ hiểu mình rồi, mình quan tâm, giúp họ có một đời sống an nhiên, hạnh phúc, không phân biệt người này, người kia.

Chúng tôi giúp họ hóa giải những khổ đau và cả những định kiến. Chúng tôi nói với họ về chính sách đại đoàn kết của Nhà nước, coi người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời.

Chính sách này có ý nghĩa rất lớn, tác động rất lớn. Nếu coi người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời thì có thể coi nhau như anh em, biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Chuyện gì cũng có thể nói với nhau được. Anh em với nhau thì không bao giờ bỏ nhau được, dù có giận nhau 5 bữa, 3 bữa.

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị có tác động rất lớn. Tục ngữ Việt Nam có câu “ Mười đời chưa rời cánh tay" mà. Nói chung, đã là người Việt, dù ở đâu, ra đi bằng cách nào thì họ cũng luôn suy nghĩ về đất nước, về bà con của mình, về dòng họ, về giống nòi…và họ muốn trở về.

PV: Thưa hòa thượng, ra đi hơn 20 năm như vậy, ông có hay về Việt Nam hay không và cảm nhận thế nào về Phật giáo trong nước?

Hòa thượng Thích Tịnh Quang: 22 năm ra nước ngoài như vậy, năm nào tôi cũng về Việt Nam. Sự phát triển phật giáo trong nước có thể thấy rất rõ.

Nhà nước hỗ trợ tối đa trong khuôn khổ của Hiến pháp. Nơi nào cần phát triển thì tạo điều kiện giúp đỡ. Nơi nào không cần phát triển thì không cho phép, chẳng hạn như mỗi quận chỉ nên có 3 chùa. Tôi cũng nhất trí với quy định đó.

Còn những nơi khó khăn, tôi mong muốn Nhà nước quan tâm mở thêm chùa ở đó để chăm sóc tâm linh cho bà con, giúp cho xã hội trật tự và an ninh hơn. Đó là một vấn đề rất tốt.

Ở hải ngoại, các cấp lãnh đạo, chính quyền đều coi tôn giáo là một bộ phận không tách rời của đất nước. Các tôn giáo đóng vai trò xây dựng xã hội trật tự, trị an , giáo dục cho người dân sống có trật tự, không tham lam, không ích kỷ và không độc ác.

PV: Vậy, còn điều gì ông trăn trở đối với Phật giáo trong nước?

Hòa thượng Thích Tịnh Quang: Tôi thấy rằng, hiện nay, số lượng tăng ni ở Việt Nam mỗi năm đào tạo ra rất nhiều. Khi đào tạo như vậy, chúng ta cũng cần nên có sự quản lý, không thể phát triển tự phát.

Phương thức quản lý như thế nào? Theo tôi, trước đây, người đó xuất thân ở đâu, sau khi học hành, tốt nghiệp thì nên quay về chùa đó, giúp cho xã hội, đạo pháp, dân tộc.

Còn những nơi giáo hội cần mở mang, muốn cử các sư đến đó trụ trì thì phải chọn người thật sự có khả năng. Ví dụ, có người chỉ đi làm giảng sư thì không nên làm trụ trì.

PV: Thưa hòa thượng, đây cũng là chủ đề của Đại hội lần này là giữ gìn kỷ cương của Giáo hội?

Hòa thượng Thích Tịnh Quang: Đúng vậy, hiện nay, số tăng ni trẻ ra trường rất nhiều. Tất nhiên, họ cũng muốn có chùa riêng. Nhưng lập một ngôi chùa thì phải có tài chính mà vấn đề này rất khó khăn. Họ phải chạy đôn, chạy đáo. Chính những cái đó đưa đến chuyện không tốt cho giáo hội. Đấy cũng là điều tôi trăn trở.

PV: Xin trân trọng cảm ơn hòa thượng!./.

Hương Giang/VOV – Trung tâm Tin
(thực hiện)

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/chinh-sach-dai-doan-ket-dan-toc-co-tac-dong-rat-lon-698729.vov