Chính sách của Nhà nước về biên phòng trong Luật Biên phòng Việt Nam

Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, ngày 11-11-2020. Đây là đạo luật đầu tiên dành một điều luật quy định chính sách của Nhà nước về biên phòng với những nội dung cụ thể:

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, BĐBP Đắk Lắk tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Nguyễn Ngọc Lân

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, BĐBP Đắk Lắk tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Nguyễn Ngọc Lân

“Điều 3. Chính sách của Nhà nước về biên phòng

1. Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân.

2. Giải quyết các vấn đề biên giới quốc gia bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

4. Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân vững mạnh, rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

5. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; ưu tiên nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa các công trình biên giới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới.

6. Huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

7. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế”.

Chính sách của Nhà nước về biên phòng là một bộ phận của chính sách công, bao hàm một chuỗi hành động mang tính quyền lực Nhà nước hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề thực tiễn hay thúc đẩy các giá trị ưu tiên trong quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng. Chính vì vậy, nội dung “Chính sách của Nhà nước về biên phòng” hàm chứa các “tiểu chính sách”.

Trong đó, “chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ” là “tiểu chính sách” khẳng định mục tiêu phấn đấu có tính chất xuyên suốt trong mọi thời kỳ, đối với mọi hoạt động của Nhà nước Việt Nam nói chung, hoạt động biên phòng nói riêng trong hiện tại và tương lai. Do đó, “tiểu chính sách” này có tính chất tiên quyết, chi phối các “tiểu chính sách” khác của Nhà nước về biên phòng.

“Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới” là hoạt động thể hiện quan điểm chính trị nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với các nước láng giềng, đã được ghi nhận thành mục tiêu chung của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Từ quan điểm chính trị nhất quán này, việc “Giải quyết các vấn đề biên giới quốc gia” phải bằng biện pháp “hòa bình”, “chính đáng” và “thích hợp” trên cơ sở “tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Đây không chỉ là nguyên tắc của việc thực thi nhiệm vụ biên phòng, mà còn là nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.

“Thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân tộc” là quy định chính sách được xác lập trên cơ sở quy định tại Điều 5, Hiến pháp năm 2013. Việc quy định và triển khai thực hiện chính sách này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng đối với việc thực thi nhiệm vụ biên phòng trên địa bàn biên giới - nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ “Phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân, đồng bào các dân tộc là chủ thể tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia” mà Nghị quyết số 33-NQ/TW đã xác định.

Từ quan điểm pháp lý hiến định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân... phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc” (Điều 64, Hiến pháp năm 2013), Luật Biên phòng Việt Nam xác định chính sách của Nhà nước trong việc xây dựng các nguồn lực bảo vệ biên giới quốc gia, trước hết là xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt”.

Trong đó, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức là nhân tố quyết định sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, để nâng cao sức mạnh bảo vệ biên giới, Nhà nước có chính sách ưu tiên và huy động các nguồn lực cho việc xây dựng khu vực biên giới và thực thi nhiệm vụ biên phòng. Quy định về “Huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng” tạo tiền đề cho việc xác lập quy định về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự trong trường hợp khẩn cấp của BĐBP.

Điều luật “Chính sách của Nhà nước về biên phòng” trong Luật Biên phòng Việt Nam là sự hội tụ một cách cô đọng mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ biên giới quốc gia mà Nghị quyết số 33-NQ/TW đã xác định, đồng thời, phù hợp với các quy định về bảo vệ Tổ quốc của Hiến pháp năm 2013. Do đó, quy định tại Điều 3 của Luật Biên phòng Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc “Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp” - quan điểm chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật mà Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã xác định.

Tiến sĩ Trần Minh Nguyệt, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chinh-sach-cua-nha-nuoc-ve-bien-phong-trong-luat-bien-phong-viet-nam-post436095.html