Chính sách công nghiệp hóa Việt Nam cho giai đoạn mới: Quyết định vẫn là nội lực

Tại các nước Á châu, quá trình công nghiệp hóa (CNH) triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn dân số vàng của mỗi nước.

Tuy nhiên do giai đoạn này khá dài (khoảng từ 40 - 50 năm) nên khoảng cách CNH giữa các nước có thể lớn tùy theo thời điểm phát triển công nghiệp hiện đại.

Bài 1: Công nghiệp hóa chưa tận dụng được nhiều lợi thế

Bài 2: Thách thức của trào lưu công nghiệp hóa

Bài 3: Nỗ lực nhưng thiếu yếu tố nội lực vững chắc

Bài 4: Nhiều giải pháp cho một mục tiêu

Kinh nghiệm từ các nước

Những nước thuộc thế hệ sau có lợi thế vì có thể du nhập các nguồn lực như công nghệ, tư bản từ các nước đi trước. Đây là luận đề nổi tiếng của Gerschenkron (1961) về lợi ích của nước đi sau (advantage of backwardness). Với lợi thế đó và cùng với nỗ lực của chính mình, các nước đi sau có thể bắt kịp các nước đi trước trong quá trình CNH. Nhật Bản là nước thuộc thế hệ thứ ba nhưng từ thập niên 1970 đã theo kịp các nước thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai.

Tuy nhiên, không phải nước nào cũng thành công như vậy. Lợi ích hay lợi thế của nước đi sau mới chỉ là cơ hội. Cần một điều kiện nữa, quan trọng hơn, đó là năng lực tận dụng có hiệu quả lợi ích đó. Nếu các nguồn lực từ các thế hệ trước là ngoại lực thì các nước thuộc thế hệ sau phải có đầy đủ nội lực mới thành công trong CNH. Nội lực ấy có thể hiểu rộng hơn đó là năng lực xã hội, trong đó bàn về các tố chất cần thiết của lãnh đạo chính trị, quan chức, trí thức và DN, và các cơ chế để có các tố chất đó…

Sản xuất mạch điện tử tại Công ty TNHH Meiko Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải

Liên quan nội lực và ngoại lực, một vấn đề quan trọng đối với các nước thuộc thế hệ thứ năm hay thứ sáu là khả năng nhận thức ý nghĩa và hạn chế của dòng thác đầu tư FDI. FDI là hình thái cùng một lúc du nhập tư bản, công nghiệp và tri thức kinh doanh. Từ giữa thập niên 1970 trở về trước, hình thái này ít phổ biến vì các nước đi sau lo sợ các công ty đa quốc gia (MNCs) chi phối kinh tế. Các nước chậm phát triển vừa mới giành độc lập sau thế chiến thứ hai, còn lo ngại các nước tiên tiến có ý đồ áp đặt chính sách thực dân mới qua hoạt động của MNCs. Ngay cả Nhật vào thập niên 1950 – 1960 đã là một nước tương đối phát triển mà còn lo ngại khả năng bị MNCs chi phối nên đã chuẩn bị một quy trình chi tiết cho kế hoạch tiếp nhận từng bước FDI. Thế hệ CNH thứ tư như Hàn Quốc cũng cảnh giác MNCs nên chủ ý tránh tối đa FDI, trong trường hợp bất đắc dĩ phải chấp nhận FDI mới du nhập được công nghệ họ cũng tìm cách đưa ra các điều kiện có lợi nhất cho mình và từng nước làm chủ công nghệ và quyền kinh doanh.

Nhìn chung có 3 kênh du nhập nguồn lực từ bên ngoài. Thứ nhất là kênh hợp đồng công nghệ (licensing arrangement), nước du nhập chỉ mua công nghệ rồi tự mình đưa vào sản xuất kinh doanh, nghĩa là phải có khả năng kinh doanh và tự chịu các rủi ro. Thứ hai là kênh du nhập tư bản, chủ yếu vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế, các ngân hàng nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên đối với các nước chưa phát triển, chỉ có chính phủ mới dùng kênh này để xây dựng cơ sở hạ tầng. DN tư nhân hầu như chỉ vay trong nước. Thứ ba là kênh FDI trong đó cả tư bản, công nghệ và tri thức kinh doanh được đồng thời du nhập trọn gói (package).

Về hiệu quả trước mắt thì FDI là kênh tác dụng lớn nhất so với hai kênh còn lại vì tri thức kinh doanh tiên tiến kết hợp với vốn và công nghệ làm cho các ngành công nghiệp của nước đi sau nhanh chóng phát triển, nhanh chóng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nhưng mặt khác, nếu không có chính sách FDI khôn ngoan, các nước đi sau dễ ỷ lại vào DN nước ngoài, không tự mình tích lũy các nguồn lực như công nghệ và khả năng kinh doanh, sẽ đưa đến sự méo mó trong cơ cấu kinh tế và về lâu dài quá trình CNH có thể sẽ không bền vững.

Là trường hợp điển hình của thế hệ CNH thứ ba, Nhật Bản chỉ du nhập công nghệ theo kênh thứ nhất và tự mình tích lũy nguồn lực kinh doanh, còn vốn chủ yếu thì huy động tiết kiệm trong nước. Bằng nỗ lực kinh doanh của chính mình, nhiều DN tư nhân Nhật Bản đã xác lập được thương hiệu trên thị trường thế giới. Trường hợp Hàn Quốc, thế hệ thứ tư, họ vừa dùng kênh thứ nhất để du nhập công nghệ, kênh thứ hai để du nhập tư bản và tự mình xây dựng, tích lũy khả năng kinh doanh. Tuy chưa bằng Nhật nhưng họ cũng đã xác lập nhiều thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Đừng quên yếu tố nội lực

Thuộc thế hệ CNH thứ sáu trên thế giới và thứ tư tại châu Á, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội chọn lựa các nguồn lực bên ngoài nhưng đồng thời cũng gặp phải nhiều thách thức trong việc chọn lựa đó. Mặt khác, trong quá trình CNH, Việt Nam là nước chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, việc củng cố nội lực, cụ thể là việc xây dựng thị trường và cải cách, phát triển DN, khó tiến triển nhanh. Tổng hợp lại, có thể tóm tắt những yếu tố chi phối quá trình CNH của Việt Nam trong 20 năm qua như sau:

Thứ nhất, việc du nhập các nguồn lực bên ngoài qua kênh FDI rất dễ dàng vì đã trở thành hiện tượng phổ biến khắp thế giới, nguồn cung cấp cũng nhiều và đa dạng. Hiện tượng này dễ làm cho Chính phủ sao nhãng việc nuôi dưỡng DN bản xứ nếu không ý thức về những mặt hạn chế của FDI, nhất là trong dài hạn.

Thứ hai, nhiều nước xung quanh Việt Nam thuộc thế hệ CNH thứ ba, thứ tư và thứ năm, phần lớn đã tham gia xuất khẩu công nghệ, tư bản và tri thức kinh doanh. Nhật Bản đã bắt đầu FDI từ thập niên 1960 và tăng nhiều từ đầu thập niên 1970. Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chuyển từ nước nhập sang nước xuất khẩu công nghệ và tư bản từ giữa thập niên 1980. Từ cuối thập niên 1990, Malaysia, Thái Lan và sau đó Trung Quốc cũng tham gia cung cấp FDI. Nhưng DN của những nước thuộc thế hệ thứ tư hay thứ năm phần lớn chưa kịp xác lập văn hóa kinh doanh, văn hóa DN và trình độ công nghệ còn hạn chế, thanh danh của họ cũng chưa có hoặc chưa lớn nên dễ có những hành động gây tác động xấu đến nước họ đầu tư. Việt Nam du nhập các nguồn lực từ các nước đó dễ gây ảnh hưởng bất lợi cho phát triển bền vững.

Thứ ba, so với các nước thuộc thế hệ trước, di sản của giai đoạn kinh tế kế hoạch, của hình thái sở hữu các tư liệu sản xuất còn tồn tại trong thời quá độ sang kinh tế thị trường. Chiến lược, chính sách đổi mới lại mang tính chất tiết kiệm tiền kiểu Việt Nam, nghĩa là DN quốc doanh được ưu đãi trong thời gian dài nhưng chậm xác lập cơ chế quản trị DN (corporate governance) vừa làm cho các DN đó kém hiệu suất vừa gây trở ngại cho hoạt động của DN tư nhân. Vì vậy nội lực của Việt Nam dễ bị suy yếu.

(Còn nữa)

GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chinh-sach-cong-nghiep-hoa-viet-nam-cho-giai-doan-moi-quyet-dinh-van-la-noi-luc-279864.html