'Chính sách cho đẻ 3 hay 100 con, tôi vẫn chỉ sinh một đứa'

Được cho phép, khuyến khích, tặng tiền để sinh nhiều con, các cặp vợ chồng châu Á vẫn nhất quyết không đẻ thêm.

Xing Zhiwei, ông bố 38 tuổi sống ở Bắc Kinh, gần đây đã mua căn hộ hai phòng ngủ gần một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, theo The Wall Street Journal.

Sau hàng chục năm đi làm, vợ chồng Xing chỉ mới trả được hơn một nửa số tiền mua nhà. Họ ước tính sẽ phải làm việc không ngừng nghỉ từ đây đến năm 65 tuổi để lo nốt khoản tiền còn lại.

Vợ chồng Xing sinh vào những năm 1980, khi chính sách một con đang có hiệu lực ở Trung Quốc nên cả hai đều là con một trong gia đình.

Đến năm 2013, Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng thuộc thế hệ một con được sinh tối đa hai con. Thời điểm đó, Xing và vợ đã làm theo sự khuyến khích của chính phủ.

Hiện tại, vợ chồng Xing, những người làm công ăn lương bình thường, phải cùng lúc chăm sóc 4 bậc cha mẹ già yếu và hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Cảm thấy gánh nặng trên vai đã quá sức, nhưng giờ đây, Xing và vợ lại tiếp tục trở thành mục tiêu của chính sách kế hoạch hóa mới của Trung Quốc, thúc đẩy các cặp vợ chồng trẻ đã có hai con tiếp tục sinh đứa thứ 3.

"Chính sách đã thay đổi nhưng không có nghĩa chúng tôi sẽ làm theo. Nuôi dưỡng một đứa trẻ tốn rất nhiều tiền bạc và công sức", Xing nói.

 Trung Quốc thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép các cặp vợ chồng sinh tối đa 3 con. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép các cặp vợ chồng sinh tối đa 3 con. Ảnh: Reuters.

Châu Á trong cuộc chiến chống già hóa

Cuối tháng 5 vừa qua, chính phủ Trung Quốc cho biết nước này sẽ cho phép các cặp vợ chồng có tối đa 3 con và cung cấp hỗ trợ về giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em. Động thái này được đưa ra khi đất nước tỷ dân phải đối mặt với khủng hoảng dân số tồi tệ, đe dọa đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

Yi Fuxian, nhà nghiên cứu tại Mỹ về chương trình kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc, nói rằng chính sách mới là điều "chưa từng có tiền lệ". Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu việc nới lỏng giới hạn sinh này có thuyết phục được nhiều cặp vợ chồng sinh thêm con hay không.

Từ thập niên 1980, mỗi gia đình ở quốc gia tỷ dân chỉ được phép sinh một con. Đến năm 2013, chính phủ quy định các gia đình có thể có hai con khi bố hoặc mẹ là con một. Và vào năm 2015, nước này đã cho phép tất cả cặp vợ chồng sinh tối đa hai con.

Chính sách thay đổi qua từng thời kỳ nhằm ngăn chặn tình trạng già hóa dân số. Thế nhưng, các con số vẫn không mấy khả quan.

Theo The Conversation, chỉ 5-6% các gia đình sống ở những đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải muốn sinh con thứ hai.

Cuộc điều tra dân số kéo dài suốt một thập kỷ cho thấy 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở Trung Quốc vào năm ngoái, năm thứ tư liên tiếp tỷ lệ sinh giảm, bất chấp các hạn chế sinh đẻ được nới lỏng.

Nhiều quốc gia ở châu Á bất lực trước xu hướng tỷ lệ sinh giảm, dân số già hóa. Ảnh: Reuters.

Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế tại Pinpoint Asset Management, cho biết: "Bằng chứng ở các quốc gia khác cho thấy rằng một khi tỷ lệ sinh đã có xu hướng giảm, rất khó để thay đổi nó".

Trên khắp châu Á, những nỗ lực cải thiện tỷ lệ sinh trong nhiều năm của chính phủ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan phần lớn đều thất bại.

Từ năm 1980, Singapore đã vật lộn để đảo ngược xu hướng già hóa dân số bằng các chiến dịch công khai khuyến khích sinh đẻ, hàng loạt ưu đãi về tài chính và thuế.

Đặc biệt năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đảo quốc sư tử thông báo sẽ trợ cấp 3.000 SGD (2.260 USD) cho các cặp sinh con.

Thế nhưng, các giải pháp trên đều không thể ngăn chặn đà lao dốc về tỷ lệ sinh ở quốc gia Đông Nam Á này.

Còn tại Hàn Quốc, sau nhiều năm thúc đẩy tỷ lệ sinh thất bại, chính phủ cho biết họ sẽ học cách sống chung với sự suy giảm dân số, thay vì chỉ cố gắng ngăn chặn nó.

Chính phủ "nhận thấy sẽ khó có thể đảo ngược xu hướng tỷ lệ sinh thấp trong tương lai gần" và vì vậy sẽ áp dụng cách tiếp cận "hai chiều" là khuyến khích sinh đẻ, đồng thời tìm cách điều chỉnh nền kinh tế thích nghi với dân số ngày càng giảm và già hóa, theo một tuyên bố chung từ 11 bộ đưa ra hôm 27/1.

"Hãy tạo ra một xã hội mà ở đó tôi có thể nuôi 3 đứa trẻ"

Tháng 5/2019, Bộ trưởng An ninh mạng Nhật Bản Yoshitaka Sakurada gây bức xúc với phát biểu về tỷ lệ sinh đang đạt mức thấp kỷ lục của xứ sở hoa anh đào.

Với tư cách thành viên của Hạ viện, ông Sakurada hy vọng các bậc cha mẹ Nhật Bản có thể gián tiếp thúc đẩy tỷ lệ sinh của đất nước bằng cách gây sức ép buộc con cái lập gia đình, sinh con.

"Số lượng phụ nữ cảm thấy không cần thiết phải kết hôn đang tăng lên. Tôi muốn các bạn yêu cầu con cháu mình nên sinh ít nhất 3 đứa con", ông Sakurada nói.

Giá nhà cao, chi phí sinh hoạt, giáo dục, chăm sóc cha mẹ già khiến nhiều cặp vợ chồng không muốn cũng như không đủ khả năng sinh nhiều con. Ảnh: Reuters.

Tuyên bố này ngay lập tức tạo ra làn sóng chỉ trích trên Twitter.

"Tôi muốn có ít nhất hai đứa trẻ nhưng xin thưa không có tiền để nuôi chúng, vì vậy tôi mệt mỏi khi nghe mọi người nói những điều này".

"Ông ấy không hiểu gì cả. Mọi người không sinh con không phải vì họ không muốn có con. Ông ấy không hiểu rằng trong thế giới ngày nay, rất khó khăn để nuôi 3 đứa trẻ".

"Xin hãy tạo ra một xã hội mà ở đó tôi có thể nuôi 3 đứa trẻ".

Chính sách 3 con của chính phủ Trung Quốc cũng đang bị nhiều người chế nhạo theo cách tương tự. Một người so sánh việc sinh con cũng giống như mua xe ngoại nhập đắt tiền.

"Tôi không mua 3 chiếc Rolls-Royces đâu phải vì bị cấm. Lý do cơ bản nhất là chúng đắt còn tôi không có tiền. Sinh con cũng vậy. Với mỗi cặp vợ chồng thuộc thế hệ con một, chúng tôi sẽ phải gồng mình chăm sóc cha mẹ hai bên, 3 đứa con và nghỉ hưu ở tuổi 65", người này viết.

Làm việc cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Bắc Kinh, Sun (36 tuổi) và chồng có tổng thu nhập hộ gia đình khoảng 3.570 USD/tháng.

Mặc dù đó là thu nhập tốt đối với người dân Bắc Kinh, nơi mức lương trung bình hàng tháng khoảng 1.660 USD vào năm 2020, theo The Beijinger, vợ chồng Sun vẫn cảm thấy rất khó khăn.

Sau khi kết hôn, mang thai và sinh con, phụ nữ ở Trung Quốc gặp nhiều bất lợi trong thị trường việc làm. Ảnh: Getty.

"Con trai tôi phải học vẽ, học bơi, chơi piano và tập Taekwondo hàng tuần. Trong môi trường ngày càng cạnh tranh, cha mẹ nào cũng muốn cho con một khởi đầu thuận lợi", cô nói.

Ngoài những chi phí này, vợ chồng Sun còn phải chăm sóc cha mẹ già và có một khoản vay thế chấp. "Nếu chúng tôi có 2 hoặc 3 con, tiền đâu cho chúng học tất cả lớp học đó. Tất nhiên chính phủ có thể cho phép tôi có 100 con. Nhưng với tôi, một con đã đủ mệt mệt, chứ đừng nói đến 3", Sun nói.

Nói về lý do sinh ít hoặc thậm chí không sinh con, người trẻ có thể liệt kê ra cả danh sách dài, bao gồm: chi phí sinh hoạt, giá nhà đất, cuộc đua giáo dục và gánh nặng chăm sóc cha mẹ già khi tuổi thọ ngày càng tăng...

Bên cạnh đó, các ông bố bà mẹ trẻ ngày nay đều được sinh ra từ thế hệ một hoặc hai con. Họ không có anh chị em, sống trong sự chiều chuộng tuyệt đối của cha mẹ. Những người này cảm thấy không cần thiết phải sinh nhiều con.

Xiao Meili, nhà hoạt động bảo vệ nữ quyền hàng đầu Trung Quốc, cho rằng bất bình đẳng giới, phụ nữ gặp nhiều bất lợi sau khi mang thai, sinh con cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sinh sụt giảm.

Khi những vấn đề trên chưa được giải quyết triệt để, chính sách một, 2 hay 3 con mà chính phủ cố đặt lên vai người trẻ sẽ chỉ khiến họ thêm né tránh, ác cảm với chuyện sinh đẻ, kết hôn.

"Chính phủ cần thay đổi lối tư duy và phương pháp khuyến khích phụ nữ sinh con theo khía cạnh bảo vệ quyền lợi. Họ không thể coi tử cung phụ nữ là cái vòi nước, thích mở thì mở, thích khóa thì khóa", bà Xiao nói.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chinh-sach-cho-de-3-hay-100-con-toi-van-chi-sinh-mot-dua-post1223243.html