Chính sách bao trơn có thực sự hiệu quả?

Chuyên gia cho rằng, chính sách bao trơn tạo tiền lệ xấu về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở các quốc gia áp dụng...

 Ông Paul Middeton – Giám đốc phát triển doanh nghiệp – JTI châu Á Thái Bình Dương phát biểu tại hội thảo.

Ông Paul Middeton – Giám đốc phát triển doanh nghiệp – JTI châu Á Thái Bình Dương phát biểu tại hội thảo.

"Chính sách bao trơn sẽ ảnh hưởng đến quyền sở hữu thương hiệu, tạo tiền lệ xấu về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở các quốc gia áp dụng…"

Nhận định trên được đại diện Công ty JTI châu Á Thái Bình Thương - một trong 3 công ty thuốc lá lớn nhất thế giới đưa ra tại hội thảo: "Thương hiệu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp", vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA) và Hội Sở hữu Trí tuệ Tp.HCM tổ chức mới đây tại Tp.HCM.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu, chuyên gia trong nước cho rằng doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ và thương hiệu. Nhiều thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2011-2015, trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, vấn đề sáng chế chỉ chiếm hơn 1% và giá trị kiểu dáng công nghiệp trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp chỉ chiếm hơn 17%.

Con số trên nếu đem so với tổng số doanh nghiệp hiện có ở Việt Nam thì vẫn là quá nhỏ bé. Trong khi đó, trên thế giới, tài sản sở hữu trí tuệ được xem là nền tảng để phát triển doanh nghiệp.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam lại quan tâm nhiều hơn tới vấn đề pháp lý tại nước sở tại. Theo họ, các quy định pháp luật về vấn đề thương hiệu cần phải có cái nhìn thực tế khi được áp dụng. Đơn cử như thương hiệu của các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang ngày càng bị "đe dọa" bởi các quy định không sát thực tế.

Ông Paul Middeton – Giám đốc phát triển doanh nghiệp – JTI châu Á Thái Bình Dương cho rằng các quy định về thuốc lá dần sẽ lan sang các hàng hóa tiêu dùng khác như đồ uống có cồn, nước giải khát có ga và thực phẩm giống như hiệu ứng domino.

Xu hướng áp dụng các hạn chế trước là với thuốc lá và sau là tới các hàng hóa tiêu dùng khác được gọi là "Slippery slope". Mục đích cuối cùng của Slippery slope là chính sách bao trơn - nghĩa là nhãn hiệu, logo, màu sắc và hình họa không theo quy định sẽ bị loại bỏ và chỉ cho phép sử dụng tên thương hiệu ở một kiểu chữ và kích cỡ tiêu chuẩn.

Chính sách bao trơn đối với sản phẩm thuốc lá được triển khai đầu tiên tại Úc vào năm 2012, tiếp đến là một số quốc gia khác như Pháp, Anh… Và mới đây, Singapore và Thái Lan là những quốc gia đầu tiên tại châu Á thông qua chính sách này.

Tuy nhiên, chính sách này được xem là thất bại tại Australia. Các dữ liệu từ giai đoạn đầu áp dụng chính sách bao trơn ở Anh và Pháp cũng chỉ ra điều tương tự.

"Nếu lấy ví dụ về Australia – quốc gia áp dụng chính sách bao trơn từ tháng 12 năm 2012, tất cả các bằng chứng công khai và đáng tin cậy bao gồm dữ liệu của chính phủ cũng chỉ ra kết luận tương tự: biện pháp này không thay đổi xu thế giảm tỉ lệ hút thuốc dài hạn và không làm giảm tỉ lệ hút thuốc trong giới trẻ", Paul Middeton nói.

Ông Corrado Mautone

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Corrado Mautone, Trưởng văn phòng đại diện công ty JTI (Vietnam) tại Tp.HCM cho rằng, "nhìn chung, chính sách bao trơn tạo tiền lệ xấu về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở các quốc gia áp dụng và dấy lên nghi ngại về mức độ ổn định và tin cậy của quốc gia trên phương diện đầu tư.

Chính sách này làm biến dạng thị trường, dẫn đến hành vi tiêu dùng hướng về các sản phẩm thấp cấp trên thị trường và làm giảm lợi nhuận biên của người bán lẻ khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn. Nó cũng làm tỷ lệ thuốc lá lậu gia tăng, dẫn đến sự thất thu thuế của nhà nước từ sản phẩm thuốc lá hợp pháp".

Cùng với "Slippery slope", các nhà quản lý chính sách sẽ nhắm tới các công ty thực phẩm và đồ uống với quy định tương tự kiểu thuốc lá kể đến là mức thuế khắc nghiệt, cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh và thậm chí là bao trơn. Trong tương lai, một chai rượu, một thỏi sô cô la hay thậm chí là một lon nước ngọt đều có thể nằm trong phạm vi áp dụng của các chính sách này.

Ngày càng có nhiều các công ty thực phẩm và đồ uống bị chỉ trích khi nói đến chính phủ áp dụng các quy định không hiệu quả. Và xu hướng này sẽ đe dọa tới tất cả các thương hiệu và chủ sở hữu nhãn hiệu, đặc biệt là ở một quốc gia giống như Việt Nam nơi mà việc xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu là yếu tố chủ chốt để hỗ trợ doanh nghiệp lớn mạnh.

Ông Paul Middleton nói rằng: "Hậu quả của chính sách bao trơn sẽ tác động tới tất cả các chủ sở hữu nhãn hiệu. Tước đoạt quyền xây dựng thương hiệu sản phẩm của một ngành công nghiệp sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm với tất cả chủ sở hữu nhãn hiệu. Nếu 1 ngành công nghiệp bị tước đoạt quyền sở hữu trí tuệ, tất các các chủ sỡ hữu nhãn hiệu sẽ mất quyền tương tự. Những chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam cần phải cảnh giác để điều đó không xảy ra với họ".

Tuyết Nhung

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/chinh-sach-bao-tron-co-thuc-su-hieu-qua-20190304232705746.htm