Chính sách bảo hiểm tiền gửi - Những ý kiến từ cơ sở

Năm 2018 là một năm diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi của ngành bảo hiểm tiền gửi ở cấp độ quốc tế và trong nước, ghi những dấu ấn nhất định vào niềm tin với người gửi tiền Việt Nam.

Năm 2018 cũng là năm thứ 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 được thực thi, đã củng cố cơ sở pháp lý và gia tăng hiệu quả bảo vệ người gửi tiền cũng như góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Vào đầu năm nay, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Vai trò của tổ chức BHTG đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm quy mô vừa và nhỏ” và Hội nghị thường niên lần thứ 16 của Ủy ban châu Á – Thái Bình Dương (APRC) – Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) đã diễn ra tại Hà Nội.

Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, Hội thảo là một cơ hội quan trọng cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) tiếp thu, chia sẻ, học tập những kinh nghiệm, bài học của những quốc gia đi trước. Đặc biệt trong vấn đề bảo đảm BHTG cho những tổ chức tín dụng tham gia đóng góp phí tiền gửi và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân nhất là đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) cũng đã hình thành và hoạt động gần 25 năm qua.

Ngoài ra, Báo điện tử Chính phủ cũng ghi nhận và tổng hợp những ý kiến phản hồi từ công chúng trên khắp cả nước về chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đã được chính thức triển khai ở gần 2 thập niên.

Ông Nguyễn Văn Chung – Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh:

BHTG là chính sách có ý nghĩa thiết thực, tác động mạnh đến sự phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là QTDND ở Bắc Ninh. Đã có một thời gian, nhắc đến QTDND không ít người e ngại vì những dư âm của sự đổ vỡ, người dân mất tiền gửi… Ngày nay, có BHTG nhiều người đã yên tâm mang những đồng tiền chắt chiu dành dụm đến QTDND để “trao gửi niềm tin”. Nhờ đó, tăng trưởng huy động vốn của các QTDND thời gian qua luôn năm sau cao hơn năm trước, tạo ra nguồn vốn dồi dào cho các thành viên vay để phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Nam:

Số lượng QTDND trên địa bàn tỉnh tuy không lớn, chỉ với 11 quỹ, thị phần chiếm khoảng 3%, song đã có những đóng góp rất tích cực. Điều này thể hiện ở chất lượng hoạt động, tăng trưởng huy động xấp xỉ mức bình quân chung của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, nợ quá hạn hầu như không có.

Việc tham gia BHTG là trách nhiệm, đồng thời cũng là lợi ích của các quỹ. Chính sách BHTG đã giúp người gửi tiền cũng như thành viên các quỹ thêm tin tưởng vào hệ thống QTDND, qua đó giúp các quỹ hoạt động ổn định và tăng trưởng.

Ông Trương Quốc Thụ - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng

Với những đóng góp không nhỏ của chính sách BHTG, hoạt động của các QTDND trên địa bàn nhìn chung tương đối an toàn, hiệu quả, phát huy được những ưu thế riêng trong công tác huy động vốn, cho vay, thu nợ, do đó uy tín của các quỹ ngày càng được nâng cao. Vì thế mà tiền gửi huy động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không ngừng tăng lên. Hiện nay, quy mô vốn huy động và dự trữ khoảng 4.400 tỷ đồng (bình quân 190 tỷ đồng/quỹ). Vốn huy động tăng trưởng ổn định giúp cho hoạt động của hệ thống QTDND có thể mở rộng quy mô, duy trì hoạt động một cách bền vững. Đây chính là yếu tố tích cực tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ thành viên phù hợp với mục tiêu hoạt động của hệ thống QTDND là huy động nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi phục vụ lại chính họ, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống của thành viên trong địa bàn hoạt động.

Ông Đinh Quang Hiếu - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Bình

Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng về quy mô của các QTDND trên địa bàn Quảng Bình bình quân đạt 25%/năm. Trong 5 năm qua, tổng quy mô huy động tiền gửi tăng từ trên dưới 1.000 tỷ lên 2.200 tỷ, tốc độ tăng trưởng huy động vốn tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Điều này chứng tỏ nhân dân đã yên tâm gửi tiền vào QTDND ngày càng nhiều hơn, vị thế của QTDND ngày càng được nâng cao. Hiện nay, hệ thống QTDND tại Quảng Bình hoạt động an toàn, lành mạnh và phát huy hiệu quả kinh tế, một phần có sự đóng góp của chính sách BHTG.

Bà Trần Thị Kiều Thu - Phó giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Nam Định

Chúng tôi đánh giá cao việc BHTG VN luôn đồng hành cùng các QTDND trên địa bàn Nam Định một cách chủ động, có trách nhiệm. Với đặc thù hoạt động của mình, các QTDND hoạt động độc lập, đơn lẻ nên rất khó khăn khi phải chống đỡ với những rủi ro khách quan. Do đó, chúng tôi rất mong đợi việc BHTGVN được giao thêm chức năng cho vay đặc biệt, hỗ trợ thanh khoản, giúp ổn định hoạt động của QTDND trong trường hợp xảy ra các sự cố bất ngờ.

Bà Bùi Thị Kim Tỉnh - Chủ tịch HĐQT QTDND Liên Phương (Phường 8, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng)

Tuyên truyền chính sách BHTG tại các Quỹ thông qua nhiều hình thức khác nhau đã giúp người dân tại địa phương yên tâm khi gửi tiền, qua đó góp phần huy động nguồn lực tại chỗ để phục vụ nhu cầu cho vay tại chỗ, nâng cao hiệu quả kinh tế tại địa phương. Chúng tôi mong muốn BHTG VN sẽ thực hiện nhiều hơn các chương trình tuyên truyền chính sách một cách hiệu quả nhằm giúp người gửi tiền hiểu rõ chính sách BHTG, có thêm niềm tin vào hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống các QTDND nói riêng.

Bà Bùi Thị Thanh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phong (Kiến Thụy, Hải Phòng)

Chính sách BHTG mang tính chất an sinh xã hội, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới người dân, người gửi tiền. Qua các hoạt động tuyên truyền của BHTGVN, người gửi tiền đã hiểu rõ hơn về chính sách quan trọng này cũng như hiểu thêm về hoạt động của BHTGVN.

Ông Phạm Ngọc Doanh - Chủ tịch HĐQT QTDND Tiên Nội (Duy Tiên, Hà Nam)

Quỹ mới thành lập gần 1 năm, nhưng tổng tiền gửi hiện tại đã đạt gần 20 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đạt gần 21 tỷ đồng. Quỹ đã huy động có hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, từ đó cho những người có nhu cầu vay phục vụ sản xuất kinh doanh, chủ yếu là các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, mua dụng cụ phục vụ sản xuất. QTDND Tiên Nội đạt được mức tăng trưởng như vậy là nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp chính quyền, các cơ quan có liên quan, trong đó có BHTGVN. Quỹ đã kết nạp được nhiều thành viên, huy động được nhiều vốn và ngày càng mở rộng quy mô hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga - Giám đốc QTDND Bồ Đề (Bình Lục, Hà Nam)

Ngay tại quầy giao dịch, Quỹ niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG ở nơi trang trọng, dễ nhận thấy để khách hàng tiện theo dõi. Ngoài ra, khi nhận tiền gửi, cán bộ Quỹ cũng giải thích cho bà con về chính sách BHTG hay phát tờ thông tin về BHTG để bà con tìm hiểu.

Ông Đặng Đình Nghĩa - Chủ tịch HĐQT QTDND thị trấn Hát Lót (Sơn La)

Việc tuyên truyền chính sách BHTG là hoạt động có ý nghĩa quan trọng. Nhờ đó, người dân địa phương có thể tiếp cận với chính sách BHTG của Nhà nước, hiểu hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, đồng thời tích cực tham gia tuyên truyền để đưa chính sách BHTG đến đông đảo người gửi tiền trên địa bàn.

Bà Lê Thị Nga - Người gửi tiền (Hưng Hà, Thái Bình)

Khi gửi tiền, điều tôi quan tâm nhất là tiền gửi của mình có đảm bảo không? Sau khi cán bộ ngân hàng giải thích, tôi đã hiểu hơn về quyền lợi của mình là được BHTGVN bảo vệ, và nếu có vấn đề thì tôi sẽ được trả tiền theo quy định của pháp luật, như vậy người gửi tiền rất yên tâm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Người gửi tiền (Kim Long, Thừa Thiên - Huế)

Tôi được biết vừa qua hạn mức trả tiền nếu ngân hàng bị phá sản đã được tăng lên 75 triệu đồng, như vậy là mức cao hơn và phù hợp hơn so với trước đây. Như vậy người gửi tiền như tôi cũng mạnh dạn gửi tiền vào ngân hàng thay vì cất giữ tại nhà hay cho vay mà không kiểm soát được. Tôi chỉ có thu nhập là lương hưu, không nhiều nhưng tích cóp lại cũng có một khoản, tôi quyết định gửi tiết kiệm vẫn là an toàn nhất.

Quốc Thanh (ghi)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tai-chinh/chinh-sach-bao-hiem-tien-gui-nhung-y-kien-tu-co-so/354477.vgp