Chính sách 3 con chia rẽ các gia đình trẻ ở Trung Quốc

Các hộ gia đình Trung Quốc có những phản ứng trái chiều trước việc chính phủ cho phép sinh 3 con. Nhiều cặp muốn đẻ thêm, nhưng một số khác lắc đầu từ chối.

Hai vợ chồng bác sĩ Jia (31 tuổi) và và Ding (30 tuổi) mới tổ chức đám cưới hồi tháng 1 vừa qua. Hiện họ đang cố gắng có con đầu lòng.

“Chúng tôi sẵn sàng có con. Chúng tôi muốn sinh ít nhất 2 đứa, một trai và một gái. Nếu điều kiện cho phép, hai vợ chồng thậm chí muốn có đứa thứ 3”, bác sĩ Ding, người làm việc ở bệnh viện y học cổ truyền Trung Quốc (TCM), nói với The Straits Times.

Các gia đình như vợ chồng nhà Jia ngày càng hiếm thấy ở Trung Quốc - đất nước có tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, giảm xuống còn 1,3 đứa bé/phụ nữ.

Đứng trước tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm mạnh, ngày 31/5, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách 2 con của năm 2016 để cho phép các cặp vợ chồng sinh thêm đứa thứ 3. Họ cũng cam kết triển khai những chính sách giúp đỡ các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái.

 Bên cạnh đó, phụ nữ ở Trung Quốc gặp nhiều bất lợi trong thị trường việc làm sau khi sinh con. Ảnh: Getty Images.

Bên cạnh đó, phụ nữ ở Trung Quốc gặp nhiều bất lợi trong thị trường việc làm sau khi sinh con. Ảnh: Getty Images.

Đẻ ngay khi có điều kiện

“Tôi luôn mong muốn trở thành mẹ hiền vợ đảm. Hiện tôi là một người vợ rồi nên hy vọng được làm mẹ sớm. Viễn cảnh lý tưởng nhất là tôi sinh đôi ngay lần thử đầu tiên để có luôn 2 đứa chỉ trong một lần lâm bồn”, Ding cười nói.

Cặp vợ chồng cho biết ngay từ trước khi kết hôn, tuy không bàn nhiều về số lượng con muốn có, họ luôn muốn được lên chức bố mẹ. Thời điểm đó, Trung Quốc chỉ cho phép mỗi gia đình có 2 con.

“Chúng tôi sẵn sàng có thêm nhiều đứa nữa nhưng điều này còn phụ thuộc vào điều kiện tài chính của hai vợ chồng, đồng thời xem xét bố mẹ hai bên có đủ sức khỏe giúp chúng tôi trông con không”, bác sĩ Jia nói.

“Đương nhiên, tôi cảm thấy hai vợ chồng khá ích kỷ khi phiền bố mẹ trông cháu hộ. Họ có thể đã có kế hoạch tận hưởng tuổi về hưu. Thế nhưng, chúng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác vì cả hai đều phải đi làm”, bác sĩ Ding chia sẻ.

May mắn thay, bố mẹ hai bên đều khuyến khích hai vợ chồng có con, đặc biệt là mẹ của Ding. Bà lo rằng tuổi càng cao, nữ bác sĩ sẽ dễ gặp biến chứng thai kỳ. Còn mẹ chồng của Ding mới đưa cô đi cầu tự ở quê vào tháng trước.

Vợ chồng nhà Jia mong sớm có con. Ảnh: Aw Cheng Wei.

Chỉ cần vợ chồng yêu thương nhau

Khác với vợ chồng nhà Jia, Sun Yi (31 tuổi), nhà phát triển chương trình đào tạo tại công ty Dark Horse Technology ở Bắc Kinh, chỉ duy nhất một lần nghĩ đến chuyện có con. Đó là khi cô xem bộ phim hoạt hình Coco của hãng Pixar, theo AP.

Một lời thoại trong phim đã khiến cô suy nghĩ rất nhiều: “Nếu người trần không ai nhớ đến tôi nữa, tôi sẽ biến mất. Chúng tôi gọi đó là ‘cái chết cuối cùng’”.

Sun Yi tự hỏi về những gì sẽ xảy ra khi cô ấy qua đời và lo lắng chẳng ai nhớ đến cô. Tuy nhiên, những suy nghĩ đó sớm trôi đi khi cô lý luận rằng mình có thể sống mãi thông qua những lý tưởng mà cô truyền đạt, chia sẻ với mọi người.

Bản thân Sun Yi đặt mục tiêu trở thành một giáo sư giảng dạy ở trường đại học trong tương lai. Một người đam mê dịch chuyển như Sun Yi, từng học tại trường Sciences Po (Pháp) và Wasena (Nhật Bản), dự định sẽ tiếp tục lấy bằng tiến sĩ.

Cho đến nay, Sun Yi vẫn chưa “suy nghĩ hoàn toàn thấu đáo và sâu sắc về việc chung sống với một đứa trẻ”. Chừng nào thông suốt, cô mới đưa một sinh linh mới vào thế giới này.

Sun Yi và chồng chưa có dự định sinh con. Ảnh: Sun Yi.

Một trong những nỗi lo của Sun Yi là việc cô sẽ đặt ra những kỳ vọng quá lớn và không công bằng cho con cái.

Bởi muốn con vượt trội hơn mình trong cuộc sống, cô chắc chắn sẽ bắt con thi đỗ ĐH Bắc Kinh - một trong số những trường đại học hàng đầu xứ tỷ dân, nơi Sun Yi học đại học và cả sau đại học chuyên ngành quan hệ quốc tế.

Cô lo ngại rằng những kỳ vọng của mình đồng nghĩa với việc tình yêu cô dành cho đứa trẻ sẽ đi kèm với những điều kiện và nỗi bất an.

“Tôi không muốn hủy hoại điều đó. Tôi nghĩ tình yêu thương, sự vị tha thuần khiết giữa bố mẹ và con cái là điều tuyệt vời”, cô nói với The Straits Times.

Ngay cả chồng của Sun Yi cũng không quan tâm đến việc có con. Đến nay, hai vợ chồng đã kết hôn được hơn 2 năm và có thu nhập 30.000 NDT/tháng (4.700 USD). Cô cũng cảm thấy may mắn khi gia đình 2 bên đều không giục có cháu, ngay cả khi Sun Yi là con gái duy nhất của bố mẹ cô.

“Mỗi lần đề cập đến chuyện sinh con, chồng tôi lại nói rằng không muốn tôi chia sẻ tình yêu dành cho anh ấy với người khác”, cô cười nói.

Không có tiền nuôi con

Trong khi đó, gia đình Li Ji (34 tuổi) cảm thấy chỉ một đứa là đủ. Thực chất, họ từng nghĩ đến chuyện đẻ thêm đứa nữa, nhưng lại gạt đi vì không đủ điều kiện tài chính để nuôi dạy chúng.

Ji Li cảm thấy gia đình nhỏ của mình đã trọn vẹn. Ảnh: Ji Li.

Khi cậu con trai 5 tuổi của Li Ji phát hiện bạn cùng lớp có em, cậu bé đã xin bố mẹ một cô em gái để chơi cùng. Thế nhưng, ý nghĩ đó sớm bị xua tan khi họ xem xét điều kiện kinh tế gia đình.

“Bản thân chúng tôi xuất thân từ các gia đình đông anh chị em nên cũng thấy con trai mình hơi cô đơn. Tuy nhiên, hai vợ chồng muốn tập trung nguồn lực và đem lại cho thằng bé những điều tốt nhất”, người mẹ trẻ chia sẻ với The Straits Times.

Với khoản thu nhập bình quân 10.000 NDT/tháng (1.600 USD) của cả hai vợ chồng, họ phải trả 2.000 NDT cho phí trông trẻ, 2.000 NDT cho khoản vay mua nhà và 2.000 NDT nữa cho phí sinh hoạt hàng ngày. Số tiền còn lại họ tiết kiệm, để dành cho tương lai con trai sau này.

Suy nghĩ của vợ chồng Li Ji rất phổ biến ở Trung Quốc. Nó lý giải vì sao hầu hết bậc phụ huynh xứ tỷ dân chỉ sinh một con, bất chấp việc chính quyền đang thúc đẩy họ sinh nhiều hơn.

Theo ước tính của Phó giáo sư Ma Chunhua tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, số tiền cần thiết để phụ huynh nuôi dạy một đứa trẻ từ sơ sinh đến 17 tuổi ở thành phố là 273.200 NDT (42.720 USD), sau khi điều chỉnh theo lạm phát.

Còn đối với một đứa trẻ ở nông thôn, chi phí ước tính là 143.400 NDT (22.400 USD) cùng kỳ.

Chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 17 tuổi ở khu vực thành thị Trung Quốc rất đắt đỏ. Ảnh: Reuters.

“Tôi không thấy có cách nào giúp chúng tôi có thêm đứa nữa”, Li Ji, hiện làm công việc hành chính tại một công ty xây dựng, cho biết. Chồng cô, cũng 34 tuổi, là một nhân viên bán xe hơi.

Những nỗi khổ về mặt tâm lý là một lý do khác khiến Li Ji không mặn mà với việc đẻ thêm con. Cô vẫn còn nhớ nỗi thất vọng, giận dữ và bất lực hồi mới sinh con cách đây 5 năm.

“Ngày ấy, tôi không thể chịu được tiếng khóc của con trai. Tôi không biết con muốn gì, buồn ngủ, đói hay ốm. Tôi chỉ biết khóc cùng con”, cô kể lại.

Hiện bố mẹ hai bên đều không gây áp lực để hai vợ chồng Li Ji sinh thêm con. Với họ, một đứa cháu là đủ.

“Nói cách khác, gia đình chúng tôi đã hoàn thiện”, cô nói.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chinh-sach-3-con-chia-re-cac-gia-dinh-tre-o-trung-quoc-post1223981.html