Chính quyền Tổng thống Trump lại tung 'đòn liên hoàn' đối với Trung Quốc

Ngày 2/12, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật và dự kiến ông Trump sẽ ký thành luật cấm các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ trừ khi họ tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ đã ban hành quy định rút ngắn thời hạn tới Mỹ của đảng viên Trung Quốc và thân nhân từ 10 năm xuống 1 tháng.

 Việc lưỡng viện Mỹ thông qua dự luật cấm các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ trừ khi họ tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ được cho là nhằm vào các công ty lớn của Trung Quốc như Alibaba, Pinduoduo và PetroChina (Ảnh: Dwnews).

Việc lưỡng viện Mỹ thông qua dự luật cấm các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ trừ khi họ tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ được cho là nhằm vào các công ty lớn của Trung Quốc như Alibaba, Pinduoduo và PetroChina (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 3/12, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua The Holding Foreign Companies Accountable Act ("Dự luật về trách nhiệm giải trình của công ty nước ngoài) vào ngày 2/12. Dự luật bị cho là nhằm hạn chế niêm yết cổ phiếu của các công ty Trung Quốc. Sau khi được Hạ viện thông qua, nó sẽ được gửi đến Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký ban hành và có hiệu lực.

Dự luật đã được các thành viên Hạ viện nhất trí thông qua này quy định rằng nếu một công ty nước ngoài không vượt qua được cuộc kiểm toán của Ban Giám sát Kiểm toán Công ty lên sàn chứng khoán Hoa Kỳ (PCAOB) trong ba năm liên tiếp, nó sẽ bị cấm niêm yết trên bất kỳ sàn giao dịch nào của Mỹ.

Dự luật này được cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ. Thế giới bên ngoài trước đây cũng đã dự kiến rằng Hạ viện Mỹ sẽ thông qua dự luật trong tuần này. Reuters đưa tin, trừ khi các công ty liên quan tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ, nếu không luật này có thể ngăn cản một số công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ.

Thị trường chứng khoán Mỹ là nguồn huy động vốn quan trọng của các công ty Trung Quốc. Trong ảnh: Tập đoàn Pinduoduo lên sàn Nasdaq thành công ngày 26/7/2018 (Ảnh: Reuters).

Dự luật về trách nhiệm giải trình của công ty nước ngoài do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John N. Kennedy và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen cùng đề xuất. Dự luật đã được Thượng viện biểu quyết nhất trí thông qua hồi tháng 5, sau khi được Hạ viện thông qua, nó sẽ được gửi đến Tổng thống Donald Trump để ký ban hành và có hiệu lực.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Trump dự kiến sẽ ký dự luật và biến nó thành luật. Nếu biện pháp này được ký thành luật, các công ty Trung Quốc đã niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ sẽ có ba năm để tuân thủ các quy định kiểm toán của Hoa Kỳ, sau đó họ sẽ bị loại khỏi thị trường Mỹ.

Reuters cho biết, mặc dù dự luật về nguyên tắc là được áp dụng cho các công ty của mọi quốc gia, nhưng dự luật thực ra nhắm vào các công ty Trung Quốc như Alibaba, công ty công nghệ Pinduoduo và tập đoàn dầu khí khổng lồ PetroChina (CNPC). Dự luật này có thể tác động mạnh đến các công ty Trung Quốc này.

Các biện pháp nhằm có lập trường cứng rắn hơn đối với các hoạt động kinh doanh và thương mại của Trung Quốc thường được Quốc hội Mỹ thông qua với đa số áp đảo vì các đảng viên Đảng Dân chủ và các đồng nghiệp thuộc Đảng Cộng hòa đều đồng ý với lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Bắc Kinh.

Ngày 29/3/2018, Công ty QIYI lên sàn thành công tại New York (Ảnh: VCG).

Hãng tin Mỹ Bloomberg cho rằng, động thái này đánh dấu bước ngoặt trong cuộc tranh chấp lâu nay giữa Washington và Bắc Kinh. Điểm gây tranh cãi là Trung Quốc từ chối cho phép Ban Giám sát kiểm toán công cộng của Mỹ được thẩm tra xem xét các báo cáo kiểm toán của các công ty của Trung Quốc niêm yết ở Mỹ.

Mặc dù các cơ quan quản lý của Mỹ không thể thẩm tra các báo cáo kiểm toán của các công ty Trung Quốc, nhưng các công ty Trung Quốc vẫn được phép tiếp tục kinh doanh tại Mỹ vì các sàn giao dịch chứng khoán, ngân hàng đầu tư và công ty quản lý tài sản của Mỹ có thể thu lợi nhuận từ chúng.

Theo số liệu của Securities and Exchange Commission (Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ), tính đến năm 2019, đã có hơn 150 công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ với tổng giá trị lên tới 1.200 tỷ USD. Trong năm nay, cũng đã có hàng loạt đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các công ty Trung Quốc.

Trước khi dự luật được thông qua, Trung Quốc đã tỏ rõ thái độ phản đối. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/12, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố: dự luật này một lần nữa cho thấy Mỹ đã áp dụng chính sách phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc và đàn áp chính trị các công ty Trung Quốc.

Bà Hoa Xuân Oánh chỉ ra rằng, trong tình hình thị trường vốn toàn cầu hóa cao hiện nay, cách đúng đắn để giải quyết vấn đề là tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề như tăng cường hợp tác quản lý xuyên biên giới và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Bà Hoa Xuân Oánh nói, Trung Quốc kiên quyết phản đối chính trị hóa việc giám sát quản lý chứng khoán. Trung Quốc hy vọng phía Mỹ có thể cung cấp môi trường công bằng, công minh và không phân biệt đối xử cho các công ty nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Mỹ, thay vì tìm cách tạo ra những trở ngại đủ loại.

Từ ngày 2/12.Mỹ sẽ rút ngắn thời hạn thời hạn của visa cấp cho các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và người nhà từ 10 năm xuống một tháng, điều được cho là ảnh hưởng đến 270 triệu người Trung Quốc (Ảnh: Dongfang).

Ngoài ra, trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 3/12 dẫn tin của New York Times Mỹ ngày 2/12 đưa tin chính quyền của Tổng thống Trump lại “xuất chiêu” nhắm vào Trung Quốc ở giai đoạn cuối của nhiệm kỳ: kể từ ngày 2/12 Mỹ sẽ chính thức rút ngắn thời hạn visa của các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và thân nhân; dự kiến hành động này sẽ ảnh hưởng đến 270 triệu người Trung Quốc, trong đó có 92 triệu đảng viên. Theo các cơ quan truyền thông Mỹ, biện pháp này có vẻ nhẹ hơn so với thông tin trước đó rằng Tổng thống Trump có ý định cấm các đảng viên ĐCSTQ nhập cảnh. Đây được cho là nhằm vào các đảng viên cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp, có thể dẫn đến sự trả đũa của Trung Quốc và gây khó khăn hơn cho ông Joe Biden, người tuyên bố đã thắng cử tổng thống, trong việc hàn gắn quan hệ Trung-Mỹ.

Bản tin của New York Times dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành quy định mới vào ngày thứ Tư (2/12), theo đó sẽ thắt chặt giới hạn thị thực cho các đảng viên ĐCSTQ và các thành viên gia đình trực hệ của họ đến Mỹ từ tối đa 10 năm xuống 1 tháng và chỉ được nhập cảnh một lần. Trước đây, các đảng viên ĐCSTQ có thể xin thị thực thăm thân với thời hạn tối đa 10 năm, giống như các công dân Trung Quốc bình thường. Các quy định mới không ảnh hưởng đến các đảng viên Trung Quốc xin các loại thị thực khác, trong đó có thị thực nhập cư.

Quy định mới sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm triệu công dân Trung Quốc, nhưng ngoài các quan chức cấp cao, Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc xác định các đảng viên bình thường. Các quan chức Mỹ trong tương lai có thể sử dụng đơn xin thị thực của công dân Trung Quốc và các cuộc phỏng vấn để xác định người nộp đơn có phải là đảng viên hay không. Theo bài báo, điều này có nghĩa là các quy định mới đặc biệt ảnh hưởng đến các quan chức chính phủ cấp cao và các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc, chứ không phải là các đảng viên cấp thấp nói chung.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trả lời các câu hỏi của New York Times qua e-mail, nói rằng biện pháp mới là một phần trong chính sách, quy định và các hành động thực thi của Washington nhằm bảo vệ nước Mỹ khỏi ảnh hưởng xấu của Trung Quốc. Người này cũng nói,hàng chục năm qua phía Mỹ cho phép công dân Trung Quốc tự do tiếp xúc với các cơ quan Mỹ và kinh doanh, trong khi công dân Mỹ không được đối xử như thế ở Trung Quốc.

John Demers, người phụ trách vấn đề an ninh quốc gia Bộ Tư pháp Mỹ: do Mỹ trấn áp hành vi trộm cắp công nghệ, hơn 1 ngàn nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Mỹ đã phải về nước (Ảnh: Dongfang).

Cũng theo Dongfang, cùng ngày 2/12,ông John Demers, người phụ trách vấn đề an ninh quốc gia tại Bộ Tư pháp Mỹ, khi tham dự một sự kiện của Viện Aspen – một trung tâm tư vấn ở Washington đã nói, trong hoàn cảnh Mỹ trấn áp các hành vi trộm cắp công nghệ, đã có hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc buộc phải rời khỏi Mỹ về nước. Một người đứng đầu cơ quan tình báo khác cũng cảnh báo rằng chính quyền của ông Joe Biden, tuyên bố đã thắng cử và sắp nhậm chức, cũng đã trở thành mục tiêu của các nhân viên Trung Quốc, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.

Ông John Demers cho rằng "chỉ Trung Quốc mới có đủ nguồn lực, khả năng và ý muốn" tham gia các hoạt động gây ảnh hưởng đến bên ngoài. Một quan chức Bộ Tư pháp giải thích rằng hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc mà ông Demers đề cập đến không phải là công dân Trung Quốc bị thu hồi thị thực theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 9.

Cùng dịp này, William Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ (NCSC), đã nói rằng các quan chức chính phủ Biden và thân tín của ông Biden đều đã trở thành mục tiêu của các nhân viên Trung Quốc.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chinh-quyen-trump-lai-tung-don-lien-hoan-doi-voi-trung-quoc-post140897.html