Chính quyền nói gì khi cưỡng chế vườn cà phê chín đỏ?

Chính quyền địa phương cho rằng việc người dân đòi giá bồi thường, hỗ trợ quá cao nên không có cơ sở để xem xét giải quyết và cưỡng chế là đúng quy định của pháp luật(!?)

Ngày 17-12, UBND huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Báo Người Lao Động cung cấp thông tin liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi đất dự án đường điện 500kv đoạn Dốc Sỏi – TP Pleiku.

Động thái này của UBND huyện Chư Pah được thực hiện sau khi Báo Người Lao Động đăng tải bài viết: "Thực hư việc chính quyền cưỡng chế cà phê đang chín mà không thông báo".

Theo ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, dự án đường dây 500kv đoạn Dốc Sỏi – TP Pleiku đi qua 5 xã, thị trấn của huyện Chư Pah. Trong đó diện tích đất bị ảnh hưởng trên 672.500m2, trong đó diện tích phải thu hồi là gần 18.500m2 để xây dựng 46 vị trí móng.

UBND huyện bảo rằng đã tạo điều kiện cho hộ ông Thiên tận thu bằng cách chặt hạ nguyên cây khi cưỡng chế!?

UBND huyện bảo rằng đã tạo điều kiện cho hộ ông Thiên tận thu bằng cách chặt hạ nguyên cây khi cưỡng chế!?

Tại diện tích phải thu hồi, UBND huyện Chư Pah đã thực hiện xong việc kiểm kê, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 53 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng theo khung giá của UBND tỉnh Gia Lai quy định và có 47/53 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.

Còn lại 6 hộ cá nhân chưa thống nhất bàn giao mặt bằng với lý do đòi bồi thường sầu riêng kinh doanh 10 triệu/cây, cà phê dưới hành lang điện 1 triệu/cây và cà phê tại trụ móng 4 triệu/cây… Việc yêu cầu này là không phù hợp với khung giá mà UBND tỉnh quy định, không có cơ sở để xem xét. UBND huyện và các đơn vị liên quan đã nhiều lần vận động, đối thoại nhưng các hộ gia đình không chấp nhận.

Người dân tận thu cà phê sau khi chính quyền huyện Chư Pah cưỡng chế.

Ngày 25-10, UBND huyện Chư Pah đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ gia đình và thông báo đến các hộ dân sẽ thực hiện cưỡng chế vào ngày 28-11. Những hộ gia đình, cá nhân phải tự thu dọn, di chuyển người, tài sản và các loại ra khỏi phạm vi khu đất cưỡng chế trước thời gian tiến hành cưỡng chế.

Ngày 27-11, ông Nay Kiên và các đơn vị liên quan đã gặp gỡ vận động, thuyết phục người dân lần cuối cùng. Tại đây, hộ ông Nguyễn Văn Thiên và hộ bà Phạm Thị Liên tiếp tục yêu cầu bồi thường. Vì vậy, UBND huyện Chư Pah đã tổ chức cưỡng chế.

Khi cưỡng chế, UBND huyện Chư Pah cho rằng đã tạo điều kiện cho hộ ông Thiên tận thu bằng cách... chặt hạ nguyên cây!?

Hoàng Thanh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/chinh-quyen-noi-gi-khi-cuong-che-vuon-ca-phe-chin-do-20191217105556114.htm