Chính quyền Mỹ chia rẽ về chính sách đối với Triều Tiên

Nội bộ Chính phủ Mỹ đang chia rẽ sâu sắc trước chính sách đối với Triều Tiên khi đưa ra những thông điệp trái ngược.

Các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ ngày 10/8 phát đi những thông điệp trái ngược về vấn đề Triều Tiên, trong đó đề cao đối thoại hoặc tấn công phòng thủ.

Những thông điệp này được đưa ra chỉ một ngày sau khi sau Triều Tiên thông báo kế hoạch tấn công tên lửa nhằm vào Guam - vùng lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ.

Điều này cho thấy nội bộ Chính phủ Mỹ đang chia rẽ sâu sắc trước chính sách đối với Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lên tiếng trấn an người dân (Ảnh: telegraph)

Phát biểu với báo chí ngay khi trở về từ chuyến thăm Châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lên tiếng trấn an người dân rằng, không có lý do gì để tin một cuộc chiến tranh sẽ xảy ra sau màn đấu khẩu dữ dội giữa nhà lãnh đạo hai nước.

Ông Rex Tillerson đồng thời cho biết, Washington sẽ đối thoại với Triều Tiên miễn là thể hiện thiện chí bằng cách dừng các vụ thử tên lửa.

Ông nhấn mạnh, việc Tổng thống Donald Trump sử dụng các động từ mạnh nêu trên không có nghĩa là nhà lãnh đạo Mỹ đang muốn kích động chiến tranh mà cảnh báo Triều Tiên nên tránh những tính toán sai lầm.

Khẳng định lại tuyên bố của ông Rex Tillerson, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ: “Tổng thống Donald Trump đang gửi thông điệp mạnh mẽ đối với Triều Tiên bằng những những từ ngữ mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay sử dụng để thông điệp trở nên dễ hiểu hơn. Ngoại trưởng Mỹ từng nói rằng, ông Trump là một người rất có tầm ảnh hưởng. Mọi người đều lắng nghe tiếng nói của ông. Những thông điệp mà Tổng thống gửi tới Triều Tiên rất chính xác và rõ ràng.”

Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết, ông đã được chỉ định tham gia các nỗ lực ngoại giao cũng với các nước như Nga, Trung Quốc cùng một số đồng minh khác để giải quyết vấn đề tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, đồng thời khẳng định đường dây liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn luôn được để ngỏ.

Trái ngược với tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng, Chính phủ Mỹ không xem xét bất cứ một cuộc đàm phán nào với Triều Tiên.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại đề cập khả năng tiến hành trả đũa Triều Tiên bằng một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn.

Ông James Mattis khẳng định, các lực lượng quân sự thống nhất của Mỹ và đồng minh với khả năng tác chiến mạnh nhất trên thế giới vẫn luôn được đặt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Các hành động của Triều Tiên sẽ bị Mỹ chặn lại và Triều Tiên sẽ bị đánh bại trong bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang hay xung đột nào mà nước này khiêu khích.

Những phát ngôn mâu thuẫn của các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ đang khiến dư luận đặt câu hỏi liệu Mỹ có đủ tầm ảnh hưởng để thuyết phục các nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhất trí ủng hộ thêm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên hoặc xa hơn nữa là đưa Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán.

Giáo sư Yang Moo-jin của Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng một loạt phát biểu “trước sau không như một” là bằng chứng chính quyền ông Donald Trump chưa có chính sách đầy đủ về vấn đề Triều Tiên.

Theo nhà nghiên cứu chính trị này, Mỹ vẫn đang hoàn thiện các chiến lược đối ngoại và đó có lẽ là lý do các phụ tá của ông Donald Trump không có tiếng nói chung về một số vấn đề.

Tình trạng chia rẽ nội bộ đang khiến chính quyền của Tổng thống Donald Trump gặp nhiều thách thức trong việc thông qua những quyết sách quan trọng, trong đó không chỉ là vấn đề Triều Tiên mà còn vấn đề an ninh, quốc phòng, nhập cư, y tế…

Những chính sách táo bạo mà ông Donald Trump đã cố áp dụng từ ngày đầu nhậm chức đã không được thực hiện nhanh chóng, cho thấy rằng ông và nội các của mình đã không chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch hành động./.

Hồng Anh/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/chinh-quyen-my-chia-re-ve-chinh-sach-doi-voi-trieu-tien-657807.vov