Chính quyền huyện Cần Giờ thiếu trung thực với người dân?

Sawaco chủ động cung cấp thông tin cho báo chí trong vấn đề liên quan đến bài viết 'Cấp phép cho Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ thi công đường nước có đúng pháp luật?'. Dù một số thông tin phóng viên cần tìm hiểu chưa được đáp ứng, nhưng diễn biến mới này phần nào cho thấy chính quyền huyện Cần Giờ đang có biểu hiện thiếu trung thực với người dân.

Tại sao Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ được chính quyền chỉ định?

Sau khi báo Điện tử congluan.vn có bài viết về việc UBND huyện Cần Giờ cấp phép cho Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ (đơn vị trực thuộc Sawaco) thi công thêm một đường cấp nước song song với tuyến ống nước của vệ tinh Lâm Thị Kha đã xây dựng và hoạt động ổn định hơn 19 năm qua, với đầu đề “Cấp phép cho Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ thi công đường nước có đúng pháp luật?”, chúng tôi nhận được điện thoại từ Văn phòng Công ty TNHH MTV cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết sẽ cung cấp thêm thông tin sự việc.

 Ông Nguyễn Văn Toàn Châu (bên trái) cùng 2 cán bộ của Sawaco đang xem bài viết trên báo Điện tử congluan.vn và trả lời phóng viên. Ảnh Thái Sơn.

Ông Nguyễn Văn Toàn Châu (bên trái) cùng 2 cán bộ của Sawaco đang xem bài viết trên báo Điện tử congluan.vn và trả lời phóng viên. Ảnh Thái Sơn.

Ngày 17/4, tại Văn phòng Sawaco, ông Nguyễn Văn Toàn Châu – Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ (giới thiệu là được Lãnh đạo Công ty Sawaco ủy quyền trả lời báo chí) cùng một số cán bộ của Sawaco cung cấp thông tin: “Việc Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ phát triển mạng lưới cấp nước trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp là theo kế hoạch của UBND huyện đáp ứng nhu cầu mong mỏi có nguồn nước an toàn, liên tục của người dân sử dụng. Mạng cấp nước này để đấu nối cấp nước qua đồng hồ tổng cho vệ tinh Lâm Thị Kha thay thế phương thức nhận nước bằng sà lan giảm cấp bù từ ngân sách đồng thời hệ thống cấp nước này đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định lâu dài cho người dân trong vùng trong trường hợp mạng cấp nước vệ tinh không đảm bảo cấp nước do nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng hoặc hệ thống cấp nước vệ tinh có sự cố hoặc vệ tinh ngưng cấp nước vì lý do không tiếp tục đầu tư cung cấp nước sạch.”

Về việc tăng giá nước đối với các vệ tinh, Sawaco cho biết: “Theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất và cung cấp nước sạch, giá nước phải được tính đúng tính đủ, do đó việc Sawaco bán sỉ nước sạch qua đồng hồ tổng cho các vệ tinh với giá bán sỉ rất thấp là 1.595 đồng/m3 đã kéo dài từ năm 2013 đến năm 2017. XNCN Cần Giờ không thể tiếp tục bán giá thấp hơn giá thành nên đã đề nghị thực hiện giá bán sỉ tương đương giá thành.”

Khi được hỏi: "Sau khi thi công đường ống thì Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ có đấu nối với đồng hồ nước của người dân hay không?", ông Châu trả lời: “Cái này tôi không biết”. Phóng viên hỏi: "Hiện nay áp lực cấp nước cho vệ tinh Lâm Thị Kha như thế nào, áp lực thấp nhất bao nhiêu vào cao nhất bao nhiêu? Tại sao trước đây trạm nước Lâm Thị Kha vẫn cung cấp đầy đủ cho người dân mà nay lại không đủ nước để cung cấp? ", ông Châu trả lời: “Tôi không biết cụ thể về số liệu”, “Còn áp lực thì chung toàn thành phố”...

“Vậy, theo Nghị định 117 về sự lựa chọn đơn vị cấp nước trên địa bàn, thì Sawaco có vi phạm điều khoản trong nghị định này hay không?” – Phóng viên đặt câu hỏi như vậy thì được một đại diện Sawaco trả lời, “Chúng tôi được chính quyền chỉ định” và cung cấp văn bản số 718/UBND ngày 07/5/2014 của huyện Cần Giờ gửi đến UBND Thành phố, Sở Giao thông Vận tải thành phố, Sở Tài chính thành phố.

Công văn của UBND huyện Cần Giờ kiến nghị Thành phố cho Sawaco thay thế vệ tinh Lâm Thị Kha...

UBND huyện Cần Giờ thiếu trung thực?

Rất bất ngờ là nội dung công văn số 718/UBND nêu trên thể hiện việc chính quyền Cần Giờ đã kiến nghị UBND thành phố cho Sawaco thay thế vệ tinh Lâm Thị Kha:“... nhằm đảm bảo ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp và giảm chi cấp bù giá nước từ ngân sách, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ kính đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Giao thông vận tải và Sở Tài chính xem xét, chỉ đạo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV triển khai nhanh công tác đầu tư mạng cấp nước, thay thế vệ tinh Lâm Thị Kha trong năm 2014 để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân.”

Công văn kiến nghị UBND thành phố là “thay thế”, nhưng khi trả lời phóng viên, ông Trương Tiến Triển (Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ) lại giải thích việc cấp phép cho Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ lắp đặt một đường ống song song với trạm vệ tinh Lâm Thị Kha là “…kéo đường ống nước qua khu vực đó để cung cấp nước cho khu dân cư mới phía sau khu vực trạm nước Lâm Thị Kha và khu Bà Sáng của xã Bình Khánh.”

... trong khi đó, trả lời bà Kha, việc cấp phép cho Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ lắp đặt thêm ống nước là để "dự phòng"

Trả lời phóng viên một nẻo, kiến nghị gửi UBND Thành phố cùng các Sở liên quan một đường, nhưng khi trả lời chủ trạm cấp nước Lâm Thị Kha thì lại khác. Văn bản trả lời chủ trạm cấp nước Lâm Thị Kha số 1086/UBND ngày 05/04/2018 có nội dung: việc cấp phép cho Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ lắp đặt một đường ống song song là “nhằm đảm bảo nguồn dự phòng khi có sự cố”.

Thật khó hiểu. Khi cùng một nội dung vấn đề, UBND huyện Cần Giờ lại cho 3 đáp án khác nhau. Lúc “thay thế”, lúc để “kéo đường ống nước qua khu vực khác”, lúc thì để làm “nguồn dự phòng”.

Mục đích xây dựng thêm một đường nước song song để làm gì...? là câu hỏi mà xem ra chỉ có UBND thành phố mới yêu cầu được UBND huyện Cần Giờ trả lời chính xác nhất trước công luận.

congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Thái Sơn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/dieu-tra/chinh-quyen-huyen-can-gio-thieu-trung-thuc-voi-nguoi-dan-35617