Chính quyền đô thị: Tiêu ít tiền nhưng phải làm được nhiều việc

'Việc tổ chức cần phải được sắp xếp sao cho hiệu quả, chính quyền đô thị tiêu ít tiền nhưng lại làm được nhiều việc cho dân hơn' - Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị (CQĐT) do Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chính quyền đô thị Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 3.5.

Tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thẳng thắn chỉ ra rằng, thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền tại các cấp của Thủ đô Hà Nội còn một số hạn chế, bất hợp lý về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy. Phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực.

Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị (CQĐT)” ngày 3.5

Đồng thời, năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của CQĐT các cấp tại Thủ đô còn nhiều yếu kém, một số lĩnh vực như phát triển nhà ở, xây dựng công trình dịch vụ đô thị, quản lý trật tự đô thị, quản lý dân cư, bảo vệ môi trường… luôn là những vấn đề nóng của thành phố.

“Ở một số cấp đô thị, việc tổ chức cung cấp các dịch vụ công vẫn còn nhiều lúng túng, bị động, chất lượng thấp, chi phí cao, thời gian chậm… việc này đã phản ánh phần nào những hạn chế của chính quyền TP trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn" - bà Hằng cho biết.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý đều nhất trí cho rằng, đây là thời điểm đã hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng mô hình CQĐT tại Việt Nam cũng như để Hà Nội thiết kế và thí điểm triển khai chính quyền đô thị cấp quận nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại các quận, thị xã theo hướng phát triển nhanh, bền vững.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” được các đại biểu chỉ ra gồm: Cơ sở pháp lý đã có đầy đủ; kết luận 22 của Bộ Chính trị là căn cứ cực kỳ quan trọng; thực tiễn thời gian qua chúng ta cũng đã và đang triển khai tổ chức lại bộ máy Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…

PGS.TS Lê Minh Thông phát biểu tại hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị (CQĐT)” ngày 3.5. Ảnh: T.An

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng lưu ý một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng và hoạt động mô hình CQĐT.

Theo PGS-TS Văn Tất Thu – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ máy chính quyền tại các đô thị đang bộc lộ những hạn chế yếu kém đòi hỏi những yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, từ vị trí, vai trò của các đô thị lớn trong sự phát triển đất nước.

“Chúng ta cần phải phân tích rõ chức năng quản lý nhà nước của CQĐT và chính quyền địa phương khác nhau như thế nào? Những yêu cầu, nguyên tắc tổ chức. Việc tổ chức cần phải được sắp xếp sao cho hiệu quả, chính quyền đô thị tiêu ít tiền nhưng lại làm được nhiều việc cho dân hơn” – PGS.TS Văn Tất Thu nhấn mạnh.

PGS-TS Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho hay: Các đô thị khác cũng đều có những điểm tương đồng về cơ sở hạ tầng, dân cư còn Hà Nội thì có những đặc trưng riêng khác nữa, đó chính là Thủ đô của một nước. Căn cứ trên những đặc trưng đó, chính quyền đô thị cần phải nghiên cứu rất kỹ. Chính quyền ở đây phải hoàn thành được sứ mệnh nơi đặt trái tim của cả nước. Phải bảo toàn được an ninh, an toàn cho cả đất nước. Thứ hai là có độ mở để nơi đây vừa là nơi tiếp đón, hội tụ và cũng là nơi lan tỏa tinh hoa của đất nước.

Còn PGS.TS Lê Minh Thông – Trợ ký Chủ tịch Quốc hội cũng cho ý kiến: Rõ ràng trong những năm qua chúng ta cũng đã có được không ít bài học liên quan việc quản lý của chính quyền. Thế giới đã có nhiều mô hình CQĐT hoạt động hiệu quả và điều đó rất đáng suy ngẫm. Về việc này chúng ta cũng cần quan tâm tới cách thức và phải xem xét rất thận trọng với những vấn đề liên quan đến luật, Hiến pháp.

“Khi thiết kế mô hình này phải phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và quản lý của thế hệ mới; phải gắn với xã hội số, đô thị thông minh, gắn với kinh tế thị trường và đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Đặc biệt cần quan tâm đến hai vấn đề là dân cư và tính thống nhất hạ tầng kỹ thuật” – PGS.TS Lê Minh Thông cho hay.

TS Dương Thị Thanh Mai - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp lưu ý, khi xây dựng và thí điểm mô hình CQĐT cần làm rõ và đề cao vai trò của nhân dân trong mô hình chính quyền đô thị đó, mối quan hệ giữa nhân dân với CQĐT ra sao?

Thành An

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/chinh-quyen-do-thi-tieu-it-tien-nhung-phai-lam-duoc-nhieu-viec-872064.html