Chính quyền có nên 'nhiệt tình' lo bãi đỗ xe ngầm cho nhà đầu tư?

Các công trình dùng làm nơi đỗ xe riêng trên khắp thế giới được xác định là một loại bất động sản. Việc thu phí đỗ xe riêng khắp nơi trong thành phố có giá đắt rẻ tùy theo vị trí và tiện ích do thị trường điều tiết. Bài này góp thêm ý kiến về quyết định của UBND thành phố Hà Nội vừa giao Công ty cổ phần đầu tư HimLamBC thực hiện dự án 'Bãi đỗ xe ngầm kết hợp công trình thương mại dịch vụ tại công viên Thủ Lệ'.

Hà Nội tắc đường liên miên, một trong những nguyên nhân là ô tô thiếu đường đi. Nghịch lý là vốn đã thiếu đường nhưng thành phố lại cho phép đỗ xe dưới lòng đường khiến đường xá còn bị thu hẹp hơn. Gần đây lại cho phép lập dự án bãi đỗ xe ngầm nằm trong đất công viên kết hợp trung tâm thương mại. Mô hình mới này đang đặt ra những câu hỏi mới.

Quy hoạch bãi đỗ xe ngầm vì ai?

Hà Nội phát triển bất động sản từ sau năm 2000, và tăng tốc mạnh sau khi mở rộng địa giới hành chính (2008). Sau hàng chục năm (2008-2018) phát triển bất động sản tràn lan, dân số tăng, nhiều xe nhưng thiếu đường đi, bãi đỗ... rồi đến khi quỹ đất cạn kiệt, chính quyền mới thông qua Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (12.2018).

UBND Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty HimLamBC đầu tư dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại Công viên Thủ Lệ với tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, diện tích đất xây dựng bãi đỗ xe ngầm hơn 16.000m2... Ảnh: Phi Hùng

UBND Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty HimLamBC đầu tư dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại Công viên Thủ Lệ với tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, diện tích đất xây dựng bãi đỗ xe ngầm hơn 16.000m2... Ảnh: Phi Hùng

Trông vào bản quy hoạch bố trí bãi đỗ xe dày đặc như rắc vừng trong thành phố... có thể đặt hai câu hỏi về bản vẽ này: (1) Các điểm đỗ xe có được tính toán hợp lý hay thấy chỗ nào đất trống thì đặt vào? Hoặc giả việc bố trí rắc đều, tiện chỗ nào đặt chỗ đó như vậy thì cần gì phải lập quy hoạch?; (2) Quy hoạch bãi đỗ xe trong trung tâm thành phố, đặc biệt là bố trí bãi đỗ xe ngầm vào các khoảng đất trống (công viên, quảng trường...) có mâu thuẫn với phân ba vùng hạn chế phương tiện cơ giới đi vào trung tâm thành phố Hà Nội?

Trước hết xin tập trung vào bố trí bãi đỗ xe ngầm trong các công viên bởi nó cho thấy sự bất hợp lý mọi mặt trong hoạt động đô thị. Vì khi quy hoạch công viên, vườn hoa trong khu dân cư, người ta đã tính đến khả năng tiếp cận an toàn của cư dân trong khu vực đến công viên trong bán kính phục vụ, như: ưu tiên giao thông phi cơ giới (xe đạp, đi bộ); ngoài việc cung cấp (trong tình huống thiếu hụt) không gian hoạt động thể chất cho học sinh từ bậc mầm non đến trung học, công viên đồng thời hỗ trợ không gian hoạt động thể chất tích cực cho cư dân thành phố v.v..

Tòa nhà Marina là bất động sản nổi tiếng và đắt đỏ tại trung tâm thành phố Chicago-Mỹ. Tòa nhà cao 65 tầng, hơn 20 tầng bên dưới là nơi đỗ xe với 896 chỗ. Ảnh: TLTG

Như vậy việc bố trí bãi đỗ xe ngầm tập trung nhiều xe cộ hoạt động với mật độ cao, tần suất dày đặc vào đất công viên sẽ xảy ra xung đột trực tiếp giao thông cơ giới và phi cơ giới, gia tăng nguy cơ tai nạn. Chúng (những người gây hoạt động này) làm suy giảm chất lượng sống tại khu dân cư, trẻ em, người già, những người yếu thế sẽ bị tước bỏ nốt những không gian an toàn cuối cùng trong thành phố vốn đã từng bước đẩy họ ra ngoài rìa đời sống đường phố.

Nguy cơ mất an toàn cao và thiếu khả thi

Một phân tích của công an phòng cháy chữa cháy Hà Nội về nguy cơ mất an toàn: “Vụ cháy chung cư Carina (TP.HCM) là một ví dụ cụ thể: từ một chập điện nhỏ của xe máy đã lan rộng thành vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản và chết 13 người. Đám cháy ở tầng hầm khó phát hiện, gây ngạt khói độc nhanh và tiếp cận chữa cháy rất khó khăn... Nguy cơ gia tăng áp suất tạo vụ nổ lớn.

Chưa nói các công viên hay quảng trường trong thành phố có không gian rộng thoáng còn có chức năng dự phòng cho hoạt động cứu hộ cứu nạn khi có thảm họa (động đất, hỏa hoạn, lụt lội, dịch bệnh...). Nếu xây bãi đỗ xe ngầm thì nó không còn an toàn mà lại trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng”.

Các chung cư, tòa nhà văn phòng tại Makati - Manila (Philiipines) đều có các tầng đế làm nơi đỗ xe. Các bãi đỗ xe cao tầng còn liên kết bằng đường đi bộ trên cao (Sky Walk) kết nối các tòa nhà. Ảnh: TLTG

Tất nhiên là công nghệ hiện đại sẽ có báo cháy, báo khói, hệ thống chữa cháy tự động, nhưng rất đắt đỏ và quy trình vận hành, bảo trì cũng cao... dẫn đến việc phải thu phí đỗ xe cao để đảm bảo chi phí đầu tư và quản lý (khó phù hợp với khả năng chi trả của đa số người gửi xe). Nên hầu hết chủ các bãi đỗ xe ngầm của Hà Nội giảm chi phí bằng cách mua thiết bị rẻ tiền/ chất lượng thấp, nếu xảy ra sự cố thì hầu như chúng vô dụng.

Có thể thêm một khẳng định: thu phí đỗ xe ngầm giá cao là việc không khả thi tại Hà Nội. Bởi giá thu phí trong bãi xe ngầm (được đầu tư nhiều tỷ đồng) chắc chắn không thể cạnh tranh với giá trông xe tràn lan trên vỉa hè, lòng đường (chỉ mất tiền mua sơn kẻ vạch đỗ)... Bằng chứng là hiện đã có sẵn tầng hầm khách sạn xây trong công viên Thống Nhất, chỉ cần hoán cải thành bãi đỗ xe, mà mấy năm nay vẫn “đắp chiếu”? Ấy là chưa kể “một ngày đẹp trời” nào đó bãi đỗ ngầm hàng trăm tỷ đồng đầu tư, thu phí đỗ xe đắt nên không có xe vào, thế là lại phải cải tạo sửa chữa thành trung tâm thương mại ngầm?

Hãy thôi tư duy “bao sân” kinh tế bằng tư duy thị trường

Mua xe, đỗ xe là việc của cá nhân, còn việc xây dựng bãi đỗ xe thu phí là công việc kinh doanh của nhà đầu tư tư nhân. Nhà đầu tư bất động sản ở xây cao ốc muốn bán được căn hộ tất phải xây và bán chỗ để xe cho người mua căn hộ, chứ không thể chỉ biết bán căn hộ, còn xe pháo, mời các ông, bà ra đường tìm chỗ đậu (vai trò nhà nước ở chỗ buộc các chủ đầu tư không được đẩy xe cộ của khách hàng ra đậu ngoài đường bắt xã hội chịu).

Tương tự như thế với các chủ đầu tư xây trung tâm thương mại, rằng anh ta phải tự lo chỗ đỗ xe cho khách hàng của mình (không thể bắt ai đó lo cho hoạt động kinh doanh của chính anh ta), xây bãi đỗ xe nổi hay ngầm là việc của anh ta, theo đúng quy luật kinh tế thị trường.

Quy hoạch bãi đỗ xe thành phố Hà Nội do tư vấn ngoại và nội đề xuất. Ảnh: TLTG

Theo logic này thì chẳng có lý do gì phải hy sinh tài sản công (đất công viên của nhân dân mà chính quyền chỉ đại diện) cho việc xây bãi xe ngầm lẫn nổi, và cũng không có lý do gì cơ quan công quyền phải tham gia hỗ trợ các ông bà chủ đầu tư từ khâu khảo sát, quy hoạch, thiết kế, tốn phí thời gian, công sức tìm chỗ đỗ xe riêng cho các chủ xe, tìm chỗ đất công còn trống để các chủ đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại. Mà thay vào đó họ chỉ cần thực hiện tốt trách nhiệm công vụ của mình là quản lý tài sản công, đất công, hay tạo ra nhiều tài sản công cộng hơn để phục vụ lợi ích của cộng đồng xã hội.

Xin nhắc lại cho rõ rằng, các công trình dùng làm nơi đỗ xe riêng trên khắp thế giới đều được xác định là bất động sản. Thu phí đỗ xe riêng khắp nơi trong thành phố có giá đắt rẻ tùy vị trí và tiện ích là hoàn toàn do thị trường điều tiết. Vậy nên các chính quyền đô thị Hà Nội hay TP.HCM cũng thuận theo đó mà làm, để bớt tranh luận, giải trình lôi thôi...

KTS. Trần Huy Ánh (Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chinh-quyen-co-nen-nhiet-tinh-lo-bai-do-xe-ngam-cho-nha-dau-tu-18748.html