Chính quyền có 'làm ngơ' cho xưởng chế biến gỗ không phép hoạt động?

Không nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không có các thủ tục về môi trường, không đảm bảo về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy... nhưng hàng loạt xưởng chế biến gỗ vẫn 'an nhiên' tồn tại và vận hành một cách rầm rộ tại H.Thanh Chương (Nghệ An), bất chấp sự phản ánh của dư luận.

Không nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không có các thủ tục về môi trường, không đảm bảo về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy... nhưng hàng loạt xưởng chế biến gỗ vẫn "an nhiên" tồn tại và vận hành một cách rầm rộ tại H.Thanh Chương (Nghệ An), bất chấp sự phản ánh của dư luận.

Một xưởng chế biến gỗ keo tại xã Thanh Mai.

Một xưởng chế biến gỗ keo tại xã Thanh Mai.

Khoảng 1 năm nay, nhiều xưởng chế biến gỗ, chủ yếu là bóc gỗ keo mọc lên như nấm tại các xã Thanh Xuân, Thanh Mai, Thanh Hà, H.Thanh Chương. Theo tìm hiểu, chủ các xưởng đều là người từ tỉnh khác đến thuê đất của người dân sở tại, rồi dựng nhà xưởng và sản xuất, chế biến. Trong khi đó, đất được thuê hầu hết đất vườn, đất lâm nghiệp của người dân chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Thủ tục để các xưởng này hoạt động chỉ là một hợp đồng được chủ xưởng ký kết trực tiếp với người dân theo thời hạn nhất định với giá bèo bọt. "Do đất để không, nên dù rẻ cũng cho họ thuê thôi, chỉ khoảng 20 đến 25 triệu đồng/năm. Chúng tôi cũng không biết cần phải chuyển đổi hay cần thủ tục gì, cái đó do chủ xưởng làm việc với chính quyền"- một người dân cho thuê đất nói.

Tại Đội 12/9, xã Thanh Mai có xưởng chế biến do ông Nguyễn Quang Thiện làm chủ. Khi được hỏi các thủ tục cấp phép hoạt động, ông Thiện chỉ có một tờ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ gia đình, do Phòng Tài chính kế hoạch H. Thanh Chương cấp, trong đó ghi ngành nghề là dịch vụ cưa xẻ và chế biến gỗ dân dụng. Theo ông Thiện trình bày thì, các thủ tục giấy tờ đang làm, nhưng người dân phản ánh, xưởng đã đi vào hoạt động gần cả năm nay.

Tại xóm 15, xã Thanh Hà, một xưởng chế biến gỗ cũng hoạt động rầm rộ, nhưng khi làm việc với Chủ tịch UBND xã Phan Văn Lân, vị này cũng không nắm được xưởng này của ai, chỉ biết là: "Người ở Phú Thọ vào thuê đất của ông Nguyễn Văn Minh để mở xưởng. Vừa qua, Kiểm lâm và huyện cũng đã về kiểm tra rồi nên xã không kiểm tra nữa". Vừa giải thích, ông Lân chỉ đạo cấp dưới lục tìm hợp đồng giữa chủ xưởng và hộ dân cho thuê đất. Tuy nhiên, sau 30 phút mà Văn thư vẫn không tìm thấy hợp đồng nào cả.

Theo ghi nhận, tại địa bàn 2 xã Thanh Mai và Thanh Xuân đã có đến 5 xưởng chế biến gỗ như trên đi vào hoạt động. Nhà xưởng được dựng trên những khoảng đất rộng hàng ngàn mét vuông, phục vụ việc sản xuất và tập kết nguyên liệu, phơi thành phẩm. Mỗi xưởng được lắp đặt 1- 2 dây chuyền bóc gỗ keo với công suất khoảng 500 tấn/1 tháng. Tại những xưởng này thường xuyên có khoảng 7- 10 lao động làm việc. Hầu hết lao động tại đây được thuê theo thời vụ và không có các thiết bị an toàn tối thiểu để đảm bảo trong quá trình sản xuất.

Mặc dù những xưởng sản xuất trên rầm rộ hoạt động trong suốt thời gian dài với nhiều thiếu sót nhưng dường như chính quyền địa phương tại đây đã "quên" kiểm tra. Hoặc có thể họ đã "làm ngơ" cho những xưởng sản xuất này hoạt động... Việc các xưởng chế biến gỗ chui, hoạt động cả ngày lẫn đêm gây bức xúc trong dư luận, phá vỡ vùng quy hoạch nguyên liệu sản xuất gỗ dăm tại địa phương, đẩy các doanh nghiệp sản xuất gỗ dăm hợp pháp, đã được cấp phép, được đầu tư bài bản vào nguy cơ phá sản, phải dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu đầu vào.

Ông Trần Công Bằng- Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết, sẽ tiến hành làm việc với những xưởng gỗ này trong tháng 9. "Hiện chúng tôi đã chỉ đạo các hộ kinh doanh nhỏ lẻ này phải giải quyết các thủ tục trong tháng 9. Nếu không đầy đủ thủ tục sẽ không được hoạt động".

Phản ánh sự việc với Chủ tịch UBND H.Thanh Chương- ông Nguyễn Văn Quế cho biết, UBND huyện sẽ cho kiểm tra ngay. Nếu các cơ sở này chưa có thủ tục đầy đủ thì sẽ đình chỉ hoạt động. Cũng theo ông Quế, mới đây, UBND huyện cũng đã đình chỉ một xưởng chế biến gỗ không phép tại xã Thanh Thủy.

Tình trạng các xưởng chế biến gỗ trái phép như trên bao giờ mới được dẹp bỏ? trách nhiệm của chính quyền cơ sở khi để tình trạng này diễn ra sẽ được xem xét như thế nào? Những vấn đề được dư luận quan tâm này xin gửi tới UBND H.Thanh Chương và UBND tỉnh Nghệ An.

X.S

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_196119_chinh-quyen-co-lam-ngo-cho-xuong-che-bien-go-khong-phep-hoat-dong-.aspx