Chính quyền buông lỏng quản lý, dân thờ cúng tự phát

Trong thời gian gần đây trên địa bàn phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bên cạnh các gốc cây Đa, cây cổ thụ đều có những bát hương, có nơi thờ cả tượng gỗ sơn son thiếp vàng…được người dân tự xây dựng mái che, mái vẩy tạm bợ trông mất mỹ quan đô thị, vô hình trung tạo thành một tụ điểm hoạt động mê tín dị đoan, thần thánh hóa để trục lợi từ những người nhẹ dạ cả tin quỳ bái sì sụp, khấn vái nhỏ to…

Để rộng đường dư luận phóng viên báo Lao động và xã hội/ báo điện tử Dân sinh đã tìm hiểu theo nội dung phản ánh của người dân về xuất hiện ngày càng nhiều những bát hương được các hàng quán và dân vãng lai xung quanh lập lên để cầu khấn nhưng không biết thờ ai???

Ngày 16/3, phóng viên có buổi làm việc tại UBND phường Nguyễn Du. Bà Phó Chủ tịch Phan Thanh Hiền phụ trách về Văn hóa Xã hội cho biết: Tại gốc cây đa trước cổng Rạp xiếc TW trên đường Trần Nhân Tông có một góc thờ tự đã lâu, tôi không biết thờ ai cả và nơi này không nằm trong danh mục quản lý của phường…

Còn tại gốc đa đối diện với UBND phường thì mới xuất hiện bát hương, lọ hoa trong mấy năm gần đây, về những việc này UBND phường sẽ xem xét và trả lời sau.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về sự xuất hiện các hiện tượng thờ cúng này chính quyền có biết hay không? thì bà Hoa cán bộ phụ trách văn hóa phường đều ấp úng rồi viện lý do về vấn đề tâm linh nên ngại…..trả lời?

Theo cụ Nguyễn Xuân Hỷ 80 tuổi Hội viên Hội di sản văn hóa Thăng Long, việc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt trong quá trình hình thành, tồn tại đã góp phần tạo ra những giá trị truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, tính sáng tạo, lòng hiếu học…thông qua nghi lễ thờ cúng, người Việt gửi gắm tình cảm lòng biết ơn tổ tiên…

Cụ Hỷ còn giải thích thêm: Ở Việt Nam mặc dù tất cả các tộc người đều có quan niệm về tổ tiên và một số tộc người có những hình thức tôn thờ mức độ khác nhau. Như lễ bỏ mả của người dân tộc Thái chỉ trong ba ngày chôn, lễ xong thì họ bỏ mả và từ đó trở đi họ không thờ cúng nữa. Nhưng hay ở cuối làng mạc của các vùng quê đồng bằng Bắc bộ, bao giờ cũng có cái am chúng sinh được lập lên để thờ là những biểu hiện chia sẻ của người sống dành cho người chết… Thế còn hiện nay những cơ sở thờ tự như Đình, Chùa, Đền …thì được các cấp chính quyền quản lý và bảo tồn, hướng dẫn người dân tuân thủ các nghi thức thờ cúng, thực hiện nếp sống văn minh trong việc thờ cúng chống mê tín dị đoan…ngoài các cơ sở trên thì việc người dân tự ý lập lên như kể trên thì cần phải tuyên truyền yêu cầu họ phải tự tháo dỡ…

Hiện tượng người dân tự lập nên những bát hương, lọ hoa, đĩa trái cây …cúng bái tại các gốc cây Đa, cây Đề trên địa bàn thành phố không phải là hiếm, với những ý nghĩa khác nhau lên rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng phường sở tại và chính quyền các cấp mở rộng tuyên truyền và có biện pháp mạnh dẹp bỏ những cơ sở thờ tự trái phép.

( còn nữa )

LƯU HUY- ĐỨC LONG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/chinh-quyen-buong-long-quan-ly-dan-tho-cung-tu-phat-d73415.html