Chính quyền Biden loại hơn 50 công tố viên thời ông Trump

Bộ Tư pháp Mỹ sẽ yêu cầu gần như tất cả công tố viên được bổ nhiệm dưới thời ông Trump từ chức, với chỉ hai trường hợp ngoại lệ đang phụ trách các cuộc điều tra nhạy cảm.

Động thái này sẽ bắt đầu sớm nhất vào ngày 9/2 với 56 công tố viên được yêu cầu từ chức, NBC News đưa tin.

Tuy vậy, hai trường hợp ngoại lệ đang phụ trách các cuộc điều tra nhạy cảm dưới thời cựu Tổng thống Trump vẫn sẽ làm công việc của mình, một quan chức cho biết.

Công tố viên John Durham sẽ tiếp tục công việc điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump và mối liên hệ với Nga, nhưng không phải với tư cách là công tố viên quận Connecticut, quan chức Bộ Tư pháp cho biết.

Mùa thu năm ngoái, ông Durham được cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt và được hưởng nhiều đặc quyền.

David Weiss, công tố viên ở Delaware, cũng sẽ tiếp tục phục vụ trong chính quyền mới. Ông Weiss là người đang phụ trách vụ điều tra về thuế của Hunter Biden, con trai tổng thống.

 Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ yêu cầu tất cả công tố viên, trừ 2 trường hợp ngoại lệ, từ chức. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ yêu cầu tất cả công tố viên, trừ 2 trường hợp ngoại lệ, từ chức. Ảnh: Reuters.

Việc thay công tố viên khi chuyển giao chính quyền không phải điều mới mẻ.

Vào năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump đột ngột yêu cầu 46 công tố viên được bổ nhiệm dưới thời ông Obama từ chức.

Lúc đó, Bộ Tư pháp ra tuyên bố cho biết hành động này được thực hiện "như trong các lần chuyển giao tổng thống trước đó".

Việc yêu cầu các công tố viên từ chức đôi khi gây ra tranh cãi.

Năm 2017, Preet Bharara, công tố viên cho quận Nam New York, công khai nói rằng ông không từ chức mà bị sa thải.

Vào năm 2006, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, tranh cãi nổ ra sau khi 8 công tố viên bị sa thải.

Các nghị sĩ Dân chủ lúc đó cáo buộc việc sa thải những công tố viên trên có động cơ chính trị. Một số người bị sa thải nói họ cảm thấy bị các đảng viên Cộng hòa tại địa phương gây áp lực trong việc điều tra khả năng gian lận bầu cử liên quan đến đảng Dân chủ, theo AP.

Năm 2007, cựu Bộ trưởng Tư pháp Alberto Gonzales thừa nhận mắc phải sai lầm khi sa thải các công tố viên. Ông Gonzales từ chức vào cuối năm đó.

Trước đó, năm 1993, cựu Bộ trưởng Tư pháp Janet Reno yêu cầu toàn bộ 93 công tố viên từ chức trong những ngày đầu của chính quyền Clinton.

Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chinh-quyen-biden-loai-hon-50-cong-to-vien-thoi-ong-trump-post1182570.html