Chinh phục Tà Chì Nhù - thiên đường mây và hoa tím

Nếu bạn chưa biết làm gì trong 2 ngày cuối tuần, hãy rời đô thị chật chội để thử sức bản thân, đắm mình trong núi rừng và biển mây trên đỉnh Tà Chì Nhù.

Tà Chì Nhù, còn gọi là Phu Song Sung theo cách gọi của người dân tộc Thái hay Chung Chua Nhà theo cách gọi của người dân tộc Mông, là một đỉnh núi nằm tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, Việt Nam.

Tà Chì Nhù, còn gọi là Phu Song Sung theo cách gọi của người dân tộc Thái hay Chung Chua Nhà theo cách gọi của người dân tộc Mông, là một đỉnh núi nằm tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, Việt Nam.

Với độ cao 2.979m, Tà Chì Nhù nằm trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Đây là một trong những địa điểm săn mây lý tưởng hay còn được gọi với cái tên "Thiên đường mây".

Để leo đỉnh Tà Chì Nhù, du khách phải có mặt ở Trạm Tấu từ tối hôm trước để nghỉ ngơi. Sáng hôm sau di chuyển sớm vào Mỏ Chì, tập kết đồ đạc để porter mang theo hỗ trợ.

Khoảng 8h sáng, đoàn bắt đầu chinh phục những con dốc đầu tiên. Hành trình kéo dài cả ngày, ăn trưa trên núi và hạ trại nghỉ đêm ở độ cao 2.400m.

Trên đường đi, đoàn dừng lại nhiều nơi để nghỉ ngơi, tiếp nước và cả "check-in" những khung hình đẹp như "cây cô đơn" trong hình. Với những ai cảm thấy đuối sức sẽ được bổ sungkẹo sâm, bôi tinh dầu quế.

Đường lên đỉnh Tà Chì Nhù khá vất vả, dốc, ít bóng râm và nắng khiến người leo núi nhanh mất sức. Du khách nên sử dụng gậy leo núi chuyên dụng, mang theo các loại nước điện giải.

Nhưng điểm nhấn đặc biệt nhất tại đây có lẽ là cánh đồng hoa tím rạng rỡ vào cuối thu. Sắc tím tạo ra từ một bức tranh thiên nhiên thơ mộng như cổ tích.

Nếu hỏi người bản địa về loài hoa tím dại cũng chỉ nhận được câu trả lời: "chi pâu" (nghĩa là "không biết tên").

Hoa tím ở Tà Chì Nhù nở vào khoảng tháng 9 đến tháng 11. Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nơi đây là địa điểm săn mây lý tưởng cho du khách.Lúc này, thời tiết khô ráo, ít mưa, thời tiết khá lạnh nhưng chụp ảnh mây rất đẹp.

Buổi sáng ngày leo núi thứ hai, ai cũng muốn dậy sớm có thời gian ăn sáng, thưởng thức ly trà gừng ấm nóng và "bắt" những tia nắng bình minh đầu tiên.

Mất khoảng hơn một tiếng từ điểm hạ trại để lên tới đỉnh núi. Không ai muốn bỏ lỡ cơ hội chạm tay và check in tại cột mốc 2.979m và thưởng ngoạn phong cảnh trên đỉnh núi. Nhiều đơn vị còn tổ chức trao huy chương trên đỉnh núi để đánh dấu khoảnh khắc đáng nhớ.

Trên đỉnh núi thường khá lạnh, có gió và mưa nhẹ; nhưng kiên trì chờ đợi đến khi mặt trời lên cao sẽ thấy rõ biển mây và đôi khi cả cầu vồng tuyệt đẹp. Khoảng 9h du khách bắt đầu xuống núi, có mặt ở chân núi vào buổi chiều để kịp trở lại Hà Nội lúc 23h.

Theo Hải Nam/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/chinh-phuc-ta-chi-nhu-thien-duong-may-va-hoa-tim/20210404041545908