Chinh phục Sơn Đoòng

Sơn Đoòng đã quá nổi tiếng, cả trên phạm vi toàn cầu, chứ riêng gì Việt Nam. Nhiều người đã xem ảnh, video, phim tài liệu,… về danh thắng này, nhưng ít người được khám phá hang động tuyệt đẹp tầm cỡ thế giới này. Càng tuyệt vời hơn, khi chuyến đi bổ ích, kỳ thú, đáng mơ ước của bao người ấy lại là giải thưởng cho người chiến thắng vì có bài đăng trên Facebook được nhiều like (yêu thích), nhiều share (chia sẻ) nhất trong cuộc thi tìm hiểu 'Quảng Bình - Vương quốc hang động thế giới'…

Đoàn thám hiểm chụp ảnh lưu niệm trước khi chinh phục Sơn Đoòng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Giải thưởng đó trị giá 3.000 USD, rõ ràng là đo đếm được, nhưng chuyến tham quan, khám phá Sơn Đoòng cuối tháng 8 đầu tháng 9-2018 chắc là vô giá, với cá nhân tôi. Tại buổi lễ trao giải ấm cúng, ngắn gọn nhưng ấn tượng, tôi được gặp ông Howard Limbert - Trưởng đoàn Thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, được ông tặng bức ảnh chụp ông và tôi trong cuộc gặp mặt tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình sáng 27-8.

Đoàn thám hiểm có 11 người, chỉ có tôi là người Việt Nam, còn lại là 6 người Mỹ, 3 người Đức, 1 người Canada. Các thành viên trong đoàn chủ yếu ở độ tuổi 20 - 34, có một phụ nữ 50 tuổi và chỉ có tôi là hơn 60. Để phục vụ 11 người đi khám phá hang động có gần 30 người đi theo để khuân vác, phiên dịch, hướng dẫn, nấu ăn... Ông Josh - chuyên gia hang động Hoàng gia Anh - hướng dẫn hết sức chu đáo cho cả đoàn. Chúng tôi làm quen, chốc lát đã trở thành thân mến vì được phổ biến và thấm hiểu: 4 ngày trong chuyến thám hiểm này là rất gian khổ, rất cần sự đoàn kết, thống nhất, hợp tác.

Đêm Phong Nha hiền hòa, tĩnh mịch, thân thương. Trăng 17 treo lơ lửng trên dòng sông Son, phủ ánh vàng thuần khiết xuống núi rừng - nơi mà ngày mai chúng tôi sẽ đi qua để đến Sơn Đoòng.

Thật may mắn, tôi được bố trí ở homestay ngay trong nhà của Hồ Khanh. Chắc mọi người đã biết, Hồ Khanh chính là người đầu tiên đặt chân đến Sơn Đoòng. Về sau, nhờ sự giúp sức và động viên của ông Howard Limbert, họ đã trở lại, tìm đi tìm lại nhiều lần mới thấy cửa hang để vào. Tôi háo hức được gặp con người ấy, nên khi vừa đến nơi, gặp nhân viên tên là Đức, tôi hỏi vội: “anh Hồ Khanh đâu?”. “Bác ấy ra ngoài một tý rồi ạ”, nói rồi Đức dẫn tôi lên một căn phòng nhỏ nhưng khá tiện nghi mãi ở sân thượng tầng 3 để “cho mát và ngắm sông Son rất đẹp”. Buổi tối, họp đoàn xong, trở về bước xuống xe tôi hỏi ngay: “anh Hồ Khanh đâu rồi?”. Một người bước qua mũi xe ô tô đến ngay và nói: “em là Hồ Khanh đây!”. Hồ Khanh người chắc nịch, tủm tỉm cười, bắt tay tôi thật chặt, như người quen đã lâu. Hồ Khanh năm nay 49 tuổi, sinh ra và lớn lên ở đây, có vợ và 3 con. Năm 1990, trong một chuyến đi tìm trầm, anh thấy cửa một cái hang và rồi mãi đến năm 2009, hang Sơn Đoòng mới chính thức được khám phá. Khanh đưa tôi về lại phòng, chuẩn bị một số đồ cần thiết. Được biết, khu vực này giờ đã có rất nhiều homestay như nhà Hồ Khanh. Đêm về, có quán bia vui vẻ, khi vào “Happy time” có đến hàng ngàn du khách Tây ngồi uống bia với nhau. Dân quốc tế đổ về đây du lịch rất đông. Tuy nhiên, đường làng vẫn sạch sẽ và khá yên ắng. Người dân vẫn hiền hậu, vui vẻ và mến khách. Dòng sông Son vẫn lững lờ trôi. Núi rừng vẫn tĩnh mịch, những lèn đá nối nhau điệp trùng bí ẩn và thách thức.

Trời đổ mưa từ lúc 5 giờ sáng. Khanh nhìn trời nói với tôi: “sáng có mưa thế này, cả ngày sẽ nắng đây anh ạ”. Sắp đi trời đã tạnh, có những tia nắng sớm nhảy nhót trên lèn đá. Nhìn dòng sông Son nhuộm màu son, Hồ Khanh giải thích do mưa đầu nguồn. Sông Son đổ vào sông Gianh rồi chảy ra biển. 9 giờ, chúng tôi rời xóm nhỏ của Hồ Khanh để thực sự bước vào chuyến khám phá hang Sơn Đoòng kỳ vĩ.

Mất trọn 1 ngày di chuyển từ cột mốc 35 đường Hồ Chí Minh mới vào đến Hang Én. Trời không mưa không nắng, đi rất thuận lợi. Đây là lần thứ hai tôi đến hang Én - hang rộng đến khổng lồ, lớn thứ 3 thế giới. Trần hang gợn những hoa văn mê hoặc. Bãi cát khá mịn rộng, bằng phẳng… Khi những tia ánh sáng le lói trên miệng hang ngừng lại, hang chìm vào bóng tối huyền bí và sâu thẳm.

Đêm hang Én, bên ấm chè nóng, tôi ngồi nói chuyện với “người bạn già” Hồ Bằng Nguyên. Anh Nguyên năm nay tròn 60, là anh trai của Hồ Khanh. Trong cái râm ran của tiếng chim én về tổ, tiếng réo rắt của con suối ngầm trong hang, anh kể: “gia đình tôi ở ngay làng Phong Nha, bố mẹ tôi sinh được 5 anh em, 3 trai 2 gái. Tôi là đầu, chú Hồ Khanh là thứ tư... Sau khi đi bộ đội về một thời gian, tôi nhập cuộc với đoàn chuyên gia hang động Hoàng gia Anh của ông Howard, thế là tôi đi miết trong rừng cùng tìm kiếm, khám phá hang động...”. Tôi thấy mình rất may vì được gặp Nguyên. Ông thâm trầm, hiểu biết và chuyên nghiệp. Tôi hỏi ông: “có thật hang Sơn Đoòng to và đẹp như báo chí viết không anh?”. “To thì thật anh ạ! Đó là đánh giá của quốc tế. Đó là hang to số 1 thế giới thực sự! Còn đẹp thì tùy cảm nhận của từng người. Riêng tôi, thì không thể nào nói được thành lời, đẹp qua mỗi đoạn, kỳ vĩ qua mỗi khung cảnh, khác biệt qua mỗi lần đi, mới mẻ qua mỗi lần ngước mắt nhìn... Anh cứ đi rồi sẽ biết!”…

Màn hòa ca của đàn chim én ru tôi vào giấc ngủ. Tôi tỉnh giấc trong tiếng mưa rơi xa xa trên núi, ngoài vòm hang… Con suối chỉ cách lều tôi ngủ vài bước chân tấu nên một bản nhạc vô hồi. Tôi tỉnh giấc và miên man suy nghĩ về đất, về suối, về hang động,... rồi lại chìm vào giấc ngủ vùi say sưa. Cho đến khi những luồng ánh sáng mạnh mẽ từ miệng hang chiếu chếch xuống, rọi thẳng vào lều. Tôi tỉnh giấc. Suối chảy sôi sục hơn. Nước có dâng cao hơn so với chiều qua. Anh em phục vụ tấp nập chuẩn bị bữa ăn sáng. Một anh bạn người Mỹ trong đoàn đang chọn những góc chụp, góc quay thích hợp để có được những bức ảnh, thước phim đẹp về hang động lớn thứ ba thế giới.

9h sáng 29-8, đoàn chúng tôi rời Hang Én. Đầm mình trong dòng suối chảy xiết, vượt qua những cánh rừng nguyên sinh, những bãi đá tai mèo lởm chởm,... thì đến được cửa hang Sơn Đoòng. Nhóm tiền trạm thông báo nước ở con suối trong hang còn quá cao nên không đi được. Đoàn hạ trại ngay cửa hang chờ nước rút... Tranh thủ ăn trưa, có tin báo nước chớm rút, chúng tôi được chuyên gia đeo dây an toàn, hướng dẫn cẩn thận cách đi trong hang khi xuống khi lên dốc, cách men theo bờ đất, bờ đá... Thế rồi, ngay ở đoạn đầu tiên khi vào tới cửa hang là xuống một cái hố sâu. Trời đất ơi, hố gì mà sâu kỳ lạ! Gió thổi thốc lên, thi thoảng mới có chỗ đặt chân, lâu lâu mới có chỗ đứng nghỉ, còn phần lớn phải căng người đạp vào vách động mà xuống. Nhờ sự hướng dẫn của các hướng dẫn viên, an toàn viên mà chúng tôi đều tụt xuống hố sâu đó an toàn. Một lòng động khổng lồ hiện ra, trong đó có những cột nhũ đá đồ sộ, một con suối ngầm với nhiều nhánh lúc ẩn lúc hiện, chảy xiết, vọng tiếng ào ào. Lòng động dài rộng đến nỗi có chứa những động cát đi qua tưởng như không bao giờ hết, những đống đá to như trái núi. Rất nhiều lần tôi ngước lên nhìn trần hang. Dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn trên đầu, tôi có thể không thấy trần hang, vì lúc thì giống như trần của những lâu đài đồ sộ ở Pháp, ở Tây Ban Nga, ở Thổ Nhĩ Kỳ,... mà tôi đã thăm quan; lúc thì như mội bầu trời đầy sao và mây trắng mờ bay... Thạch nhũ muôn hình vạn trạng, to như cột đình, thậm chí như trái núi con, như mâm cơm, bằng vài cái nong, những đường vân ngoằn ngoèo hiện lên dưới ánh đèn, có thạch nhũ hình cây, thạch nhũ san hô, thạch nhũ hình đinh lởm chởm, thạch nhũ hình trứng (ngọc động), thạch nhũ như vỏ quả na... Không thể kể hết.

Con suối ào ào chảy ngay trong lòng hang, nước đục ngầu sủi bọt trắng xóa, sôi sùng sục. Đoàn chúng tôi phải đợi khoảng 1 tiếng thì có lệnh được qua suối. Thế là bám dây, bước từng bước rất cẩn thận theo hướng dẫn của an toàn viên, từng người đi qua cái cầu nhỏ để sang suối. Kỳ lạ nhất là trong lòng hang có 2 hố sụt! Tại sao lại có hố sụt ở đây? Dũng - một hướng dẫn viên xuất sắc - giải thích rằng, do lòng hang quá rộng mà không có cột chống nên trần hang bị tụt và rơi xuống. À ra thế! Hố sụt tạo ra sự khác biệt không hang động nào có được do thấy được trời, những đám mây lãng đãng bay vào hang, thạch nhũ, cây cối và những tảng đá góc cạnh và muôn hình. Hố sụt 2 (rộng khoảng 2ha trên trần hang) tạo ra một khoảnh rừng khoảng 6ha ngay trong lòng động. Đẹp và tươi tốt!

Để đến bức tường Việt Nam, chúng tôi được xuống bè đi trong một đoạn suối. Nước trong veo, tinh khiết, thấy rõ những con cá màu trắng (không mắt) đang bơi. Tôi chợt nghĩ đến những ngày tuổi thơ đã gặp loại nước này ở những con suối quê tôi. Trong vắt, mát mẻ và sạch đến mức uống nước lã vẫn không đau bụng. Thành ra đất mẹ luôn dành cho loài người sự tinh khiết, chỉ có con người không biết giữ nên làm ô nhiễm sự tinh khiết đó thôi!

Hai bên con suối nhỏ là những khối thạch nhũ đa hình, chóp nhọn như kim tự tháp, như lâu đài... Đẹp kỳ lạ. Bè lững lờ trôi theo những đôi tay chầm chậm gạt nhẹ của các hướng dẫn viên. Các bạn quốc tế trong đoàn hát vang, cười đùa râm ran. Bè bình thản trôi đến một vịnh nước khá rộng, hình tròn thì đột ngột dừng lại. Chúng tôi được thông báo chuẩn bị thật chu đáo nai nịt, đồ dùng, ba lô,... để vượt bức tường Việt Nam, yêu cầu từng người một, theo lệnh của hướng dẫn viên, mỗi người mất 7-10 phút. Ngồi trên bè ngắm dòng nước xanh trong vắt, tôi tranh thủ hỏi một hướng dẫn viên thì được biết, đây không phải là hồ mà là một con suối; nước hôm nay là trung bình, có khi khô trơ đáy, có khi cao hơn thế này khoảng 5m. “Vậy suối đến đây sẽ chảy đi đâu?”, tôi hỏi, hướng dẫn viên trả lời: “dưới đáy này có một cái hố rất sâu, nước chảy vào lòng một con suối ngầm”. Ra vậy, hố sâu dưới đáy này sẽ “lặng lẽ” hút hết nước xuống sâu tít, rất nguy hiểm.

Nhớ lại trong suốt thời gian đi trong động, chúng tôi luôn nghe thấy tiếng suối chảy, thậm chí là nhìn thấy suối, hoặc phải lội qua suối chảy xiết. Có lần một hướng dẫn viên chỉ xuống một chỗ suối và nói, “đoạn này có một chỗ suối sâu đến hơn 50m”.

Trở lại với bức tường Việt Nam. Chờ mãi rồi cũng đến lượt tôi được leo lên. Bắt đầu là một cái thang nối từ bè lên cao khoảng gần 10m. Các an toàn viên móc dây cho tôi và dặn lại thật chu đáo cách đi. Tôi nghe nhưng không để ý lắm, vì nghĩ leo thang thì khó gì! Lệnh bắt đầu, tôi bước lên thang tự tin, thi thoảng còn quay lại vẫy tay cho mọi người chụp ảnh. Lên cuối thang, 2 an toàn viên đưa tay đỡ tôi ra khỏi thang, đặt tôi đứng chênh vênh trên bờ núi. Trời đất ơi, còn những gần 80m dốc cao như dựng đứng nữa. Xuống không được, lên thì không tin mình leo theo vách núi có được không? Tôi chần chừ, muốn chùn bước. Lúc này, 2 an toàn viên móc thêm dây cho tôi và dặn lại thật chu đáo cách leo dốc ở đây. Tôi chăm chú lắng nghe và nhớ lại tất cả những kinh nghiệm mà mình đã trải qua khi đu dây trong mấy ngày qua. Sự bình tĩnh trở lại. Tôi tự tin đu vào dây bước đi bên sườn vách đá cheo leo. Đường lên không hẳn là một đường thẳng, rất khó đi. Phải căng mình ra, đạp mạnh vào vách núi, cẩn thận chọn từng gờ đá nhỏ nhô ra rồi đặt chân vào đó, đu mạnh bằng tay để đưa khối thân thể nặng nề, rã rời của mình lên dần.

Nhờ các an toàn viên, hướng dẫn viên rất chuyên nghiệp, trách nhiệm và ân cần, tôi đã lên đến đỉnh bức tường Việt Nam cao hơn 90m không chỉ bằng ý chí, sự nỗ lực của cá nhân mà cả bằng sự giúp sức rất hữu hiệu của họ. Tôi tựa mình vào một bờ đá trên đỉnh để thở dốc. Mặc dầu còn khoảng 400m nữa là ra đến cửa hang, nhưng việc đi qua bức tường Việt Nam coi như đã đi hết lòng hang Sơn Đoòng! Chúng tôi vui vẻ thưởng thức bữa trưa ngay cạnh bức tường Việt Nam. Nghỉ mươi phút rồi lại nối đuôi nhau bước tiếp ra phía cửa hang. Xa xa, những tia sáng cứ hiện dần, niềm hy vọng rõ dần để rồi tất cả cẩn thận, cố gắng, nghiêm túc hơn đi nốt đoạn đường cuối cùng. Rồi chúng tôi cũng ra khỏi cửa sau của hang Sơn Đoòng. Nắng chan hòa, bầu trời xanh, những cơn gió rừng lao xao. Kết thúc gần 4 ngày trong hang động, ai cũng vui và hạnh phúc!./.

Nguyễn Anh TríGS, TS, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/van-hoa-xa-hoi/2018/52350/chinh-phuc-son-doong.aspx