Chinh phục mục tiêu 2021

Sáng 31-12-2020, Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai công tác năm 2021 của ngành thể thao diễn ra tại Hà Nội. Một năm có quá nhiều khó khăn, trắc trở cũng qua, thể thao nước nhà hướng đến năm 2021 với nhiều mục tiêu quan trọng.

Sáng 31-12-2020, Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai công tác năm 2021 của ngành thể thao diễn ra tại Hà Nội. Một năm có quá nhiều khó khăn, trắc trở cũng qua, thể thao nước nhà hướng đến năm 2021 với nhiều mục tiêu quan trọng.

Đội tuyển nữ Việt Nam và U22 Việt Nam được giao nhiệm vụ giành HCV SEA Games 31.

Đội tuyển nữ Việt Nam và U22 Việt Nam được giao nhiệm vụ giành HCV SEA Games 31.

Theo báo cáo, thể thao Việt Nam (TTVN) vừa trải qua năm 2020 với nhiều hoạt động, giải đấu thành công bất chấp đại dịch bùng phát. Năm qua, có 148 giải thể thao trong nước đã được tổ chức, trong đó đáng chú ý là các giải đấu như V-League, điền kinh, bắn súng, bơi lội... Đặc biệt, V-League 2020 kết thúc thành công gây được tiếng vang với bạn bè quốc tế sau nhiều lần phải hoãn vì dịch. Còn giải bắn súng có 8 kỷ lục quốc gia, giải điền kinh có 3 kỷ lục mới được xác lập và đội tuyển cử tạ có nhiều thành tích nổi bật như giành 13 HCV tại giải vô địch thanh thiếu niên và trẻ châu Á.

Trong năm 2021, TTVN hướng tới thành công ở hai sự kiện lớn, rất quan trọng là Olympic Tokyo 2021 và SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà. Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho hai mục tiêu quan trọng với chỉ tiêu thành tích cao, ngành thể thao dự kiến tổ chức 162 giải đấu trong nước, 192 giải quốc tế, hàng chục đợt tập huấn nước ngoài và 13 giải quốc tế tổ chức tại Việt Nam năm tới. TTVN đặt mục tiêu giành 20 suất tham dự Thế vận hội Olympic trong khi phải đạt vị trí trong top 3 tại SEA Games 31.

Theo kế hoạch, Olympic Tokyo 2020 diễn ra trong 17 ngày từ 23-7 đến 8-8-2021 và Paralympics dài 13 ngày từ 24-8 đến 5-9-2021. Hiện Việt Nam đã có 5 vé dự Olympic là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (đạt 2 chuẩn Olympic cự ly 400m và 1.500m tự do), Lê Thanh Tùng (môn Thể dục dụng cụ), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung) và Nguyễn Văn Đương (võ sỹ boxing). Năm tới, sau Olympic, ngành thể thao sẽ dồn hết sức cho SEA Games 31 trên sân nhà. Theo đánh giá của Tổng cục Thể dục Thể thao, công tác phòng chống dịch chính là điểm cần chú trọng nhất, cần đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Dự kiến, SEA Games 31 diễn ra từ ngày 21-11-2021 gồm 40 môn thi đấu như điền kinh, thể thao dưới nước, thể dục, rowing, canoeing/kayak, bóng đá, bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karate, wushu, vật, boxing, kickboxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf, bi sắt, kurash, vovinam, cờ, pencak silat, muay, thể hình, lặn, khiêu vũ thể thao...

Đáng chú ý, còn 4 môn bổ sung sẽ được công bố vào tháng 11 năm tới dựa trên danh sách đề xuất 21 môn mà các quốc gia đưa ra như jiujitsu, bowling, bơi nghệ thuật, võ gậy, ba môn phối hợp, đua thuyền buồm, bóng bầu dục... Còn lại, Para Games 11 tổ chức thi đấu 11 môn gồm điền kinh, bơi, cử tạ, bóng bàn, cầu lông, cờ vua, boccia, quần vợt, judo người khiếm thị, bóng lăn người khiếm thị, bắn cung, bowling, E-sports, ba môn phối hợp và jujitsu.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo môn điền kinh và bóng đá phải bảo vệ thành công thành tích giành HCV ở SEA Games 31. "Các đội tuyển bóng đá cần duy trì và nâng cao thành tích tại khu vực, châu lục, tập trung, các trận thi đấu vòng loại World Cup, U23 châu Á, AFF Cup, đặc biệt hai đội bóng nam và nữ duy trì thành tích tại SEA Games 31".

Ở SEA Games 30 tại Philippines, bóng đá Việt Nam ghi dấu ấn khi đội tuyển nam U22 và đội tuyển nữ quốc gia cùng giành HCV. Đây là lần đầu tiên bóng đá nam lên ngôi tại đấu trường khu vực. Trong khi đó, thành công ở SEA Games gần nhất giúp những cô gái Việt Nam vượt Thái Lan, trở thành đội bóng giành "vàng" nhiều nhất ở môn bóng đá nữ qua các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á.

P.V

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/144_236802_chinh-phuc-muc-tieu-2021.aspx