Chinh phục 'đệ nhất hùng quan'

Con đường qua đèo Hải Vân, nơi vẫn được mệnh danh là 'thiên hạ đệ nhất hùng quan', uốn lượn quanh co giữa màu xanh bạt ngàn núi non hùng vĩ. Công cuộc chinh phục đèo Hải Vân bắt đầu từ năm 2000, khi tuyến hầm đầu tiên khởi công và đưa vào khai thác năm 2005.

Sau hơn 10 năm, tuyến hầm thứ hai tiếp tục được xây dựng bằng bàn tay, trí tuệ người Việt. Hầm Hải Vân 2 cơ bản hoàn thành vào tháng 12-2020, khẳng định Việt Nam làm chủ công nghệ thi công hầm đường bộ tiên tiến thế giới.

"Trường học" trong lòng núi

Khác với quá trình thi công hầm Hải Vân 1 do liên danh các nhà thầu của Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện, công trình hầm Hải Vân 2 hoàn toàn do các đơn vị trong nước đảm nhiệm. Trước khi đến với công trường hầm Hải Vân 2, anh Bùi Hồng Đăng, Giám đốc điều hành các gói hầm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị thực hiện dự án, đã có mặt ở những dự án trọng điểm về hầm đường bộ như: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông. Đối với anh Đăng, mỗi dự án được tham gia giống như "trường học" trong lòng núi. "Qua từng dự án, chúng tôi rút ra được những kinh nghiệm để cải thiện phương pháp thi công, rút ngắn thời gian, giảm chi phí đầu tư. Hầm Cổ Mã dài 500m, hầm Cù Mông dài 2.600m, đến hầm Đèo Cả dài gần 4.200m, nay là hầm Hải Vân 2 với chiều dài hơn 6.000m. Đó là quá trình không ngừng học hỏi, nghiên cứu giúp đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam nhuần nhuyễn công nghệ khoan hầm, đạt đến trình độ cao của thế giới”, anh Đăng chia sẻ.

Hầm đường bộ Hải Vân 2 hoàn thành tạo nên hai tuyến đường hầm song song xuyên qua lòng núi. Ảnh: QUANG THÀNH.

Hầm đường bộ Hải Vân 2 hoàn thành tạo nên hai tuyến đường hầm song song xuyên qua lòng núi. Ảnh: QUANG THÀNH.

Những người thợ đào hầm Việt Nam tại dự án hầm Hải Vân 2 cũng là những người đầu tiên tiếp cận một trong những công nghệ thi công hầm xuyên núi tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Đó là công nghệ NATM (New Austrian Tunneling Method) của Áo, đào hầm bằng phương pháp khoan nổ, được chống đỡ bằng neo kết hợp với bê tông phun. Với các dự án hầm tại khu vực Nam Trung Bộ, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong số các nước đang phát triển mạnh dạn áp dụng công nghệ đào hầm NATM, qua thực tế chứng minh hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí. Hầm Hải Vân 2 dài hơn 6.000m chỉ mất gần 3 năm để hoàn thành công tác đào. Đến nay, công trình đã sẵn sàng đưa vào khai thác, giúp tuyến đường xuyên núi qua đèo Hải Vân có hai đường hầm chạy song song, nâng cao năng lực vận hành, bảo đảm tốt hơn an toàn giao thông.

Khẳng định khát vọng, trí tuệ người Việt

Các công trình hầm giao thông hiện nay có thể chia thành nhiều loại như: Hầm vượt sông, hầm trong lòng đô thị, hầm xuyên núi... Đối với hầm xuyên núi, theo PGS, TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, bài toán khó cho công nghệ đào hầm là tính toán về nổ mìn, liều lượng bao nhiêu, khoảng cách giữa các kíp nổ, thời gian nổ. Tiếp đó là các biện pháp về khoan phá. Các công trình hầm như: Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân đã ứng dụng công nghệ hiện đại về GPS, trắc địa toàn cầu, cho phép định vị chính xác khi đào từ hai đầu núi dù khoảng cách hàng ki-lô-mét. "Trước đây khi thi công hầm Hải Vân 1, với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, hai mép thành đào từ hai phía lúc gặp nhau chỉ chênh lệch 5cm, trở thành kỷ lục thế giới thời điểm đó. Các công trình hầm sau này do người Việt Nam thực hiện chênh lệch còn thấp hơn, như hầm Đèo Cả chưa đến 4cm, hầm Cù Mông chỉ hơn 3cm, khẳng định chúng ta đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ đào hầm xuyên núi", PGS, TS Trần Chủng chia sẻ.

Công trình hầm là công trình đặc biệt, cuộc sống trong đường hầm dài hàng ki-lô-mét được quản lý bằng công nghệ hiện đại. Trong đó có hệ thống theo dõi chất lượng không khí, khoảng cách giữa các xe, tầm nhìn, báo cháy tự động... Đồng thời, ánh sáng trong hầm được điều tiết để lái xe không bị khoảng mù khi ra vào hầm. Nói về những giá trị hầm đường bộ mang lại, PGS, TS Trần Chủng cho rằng, ngoài lợi ích về kinh tế nhờ rút ngắn thời gian, quãng đường, còn phải kể đến giá trị xã hội, đi qua hầm an toàn, hạn chế rủi ro; đặc biệt là giá trị cho môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. "Làm đường giao thông nếu chúng ta bạt núi, ngăn sông sẽ không tránh khỏi tàn phá môi trường mà giải pháp bền vững là làm hầm xuyên núi, vừa giữ được cảnh quan, vừa tránh sạt trượt. Những công trình như hầm Cù Mông, hầm Đèo Cả hay hầm Hải Vân 2 đã khẳng định người Việt Nam có bản lĩnh, đủ trí tuệ và khát khao làm những việc mà những nước tiên tiến trên thế giới đã và đang làm", PGS, TS Trần Chủng bày tỏ. Từ những công trình đột phá trong lĩnh vực giao thông và rất nhiều lĩnh vực khác đã hun đúc tài năng, trí tuệ người Việt Nam, không chỉ làm chủ công nghệ mà còn khai thác năng lực quản trị, huy động nguồn lực về con người, thiết bị, tài chính để làm ra những sản phẩm chất lượng, mang tầm cỡ thế giới.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chinh-phuc-de-nhat-hung-quan-651599