Chinh phục bằng thạc sĩ ở tuổi 85

Hai năm không nghỉ một buổi học nào, cặm cụi trên những chuyến xe buýt đi hơn 40 cây số để đến lớp, để khi nhận được tấm bằng thạc sĩ ở tuổi 85, cụ ông Lê Phước Thiệt (Quảng Nam) trở thành niềm tự hào của cả gia đình, nhà trường.

Cụ ông 3 năm “rèn sách”, chinh phục bằng thạc sĩ ở tuổi 85.

Cụ ông 3 năm “rèn sách”, chinh phục bằng thạc sĩ ở tuổi 85.

Đi học ở tuổi 83

Chúng tôi gặp cụ Lê Phước Thiệt chỉ vài ngày sau buổi lễ tốt nghiệp, nơi ông nhận tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Đà Nẵng. Bất ngờ thay, địa chỉ nhà của vị thạc sĩ đặc biệt này lại ở tận thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Tuổi già, đường xa, vậy mà cụ ông 85 tuổi vẫn nhận được bằng thạc sĩ càng khiến bất kì ai tò mò.

Đón những người khách lạ với nụ cười thân thiện, cụ Thiệt có đôi mắt sáng tinh tường vẫn nhìn được khá rõ mà không cần dùng đến kính, chỉ có mái tóc ông là đã bạc trắng. Bằng giọng nói trầm ngâm, cụ Thiệt kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mình. Vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn. 13 tuổi, ông xa gia đình ra Đà Nẵng để học lên Trung học đệ nhất cấp (tương đương bậc trung học cơ sở ngày nay). Thế nhưng, con đường học vấn của cụ bị dở dang bởi chiến tranh, loạn li, bươn chải vì gia đình.

Thế nhưng niềm khao khát được đi học vẫn không sao ngăn bước ông. 70 tuổi, ông Thiệt nhận bằng Đại học tại Mỹ. Nhưng chẳng dừng lại ở đó, cuối năm 2016, cụ Thiệt tiếp tục đăng kí học lên Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh (Đại học Duy Tân Đà Nẵng).

Thế nhưng đi học ở tuổi hơn 80 xưa nay rất hiếm. Nghe những thắc mắc của chúng tôi, cụ Thiệt trải lòng, ba năm trước, vợ cụ mất, đó cũng là thời điểm cụ quyết định đi học tiếp. “Học để vơi bớt nỗi buồn. Nhiều lúc đi học về tới nhà, thấy nhà trống trải vắng bả cũng buồn rồi huống chi là ở nhà không hoài. Tôi cũng tự nhủ, ai cũng phải vậy thôi, mình phải cố gắng vượt qua bằng cách sống tốt hơn”. Vậy nên, cụ ông ở tuổi 83 đi học.

Hai năm không bỏ một giờ học

Nghĩ là làm, cụ Thiệt đăng kí học thạc sĩ tại một trường đại học tại Đà Nẵng. Từ lúc quyết định nộp đơn, cụ nhận được nhiều ý kiến phản đối của con cái, người thân trong gia đình vì ai cũng cho rằng cụ già rồi nên ở nhà, con cháu phụng dưỡng. Nhưng “Không có chi là cực khổ, có ai bắt mình đi đâu mà cực khổ, tôi tự nguyện đi mà” - cụ Thiệt chia sẻ.

Để chứng minh cho lời nói và quyết tâm của mình, hai năm đi học là thời gian cụ Thiệt gắn bó với chiếc xe buýt Ái Nghĩa - Đà Nẵng. Cứ 4 giờ chiều cụ lại bắt xe buýt vượt 40km ra Đà Nẵng đi học. Đến 11h tối thì cụ nhờ người cháu chở về. Cụ bảo, học không cực, làm luận văn không cực mà cực cái di chuyển, đi lại. Vì con cháu đâu phải lúc nào cũng nhờ được nên những đêm không có ai đón về, cụ Thiệt thuê nhà nghỉ ngủ lại, ngày mai lại đi học tiếp.

“Vật vả nhất là vào mùa mưa gió bão, đi đứng rất nguy hiểm, có khi về đến nhà là ướt hết quần áo. Tuổi cao lại mang trong mình căn bệnh phổi mãn tính nên có khó khăn thật nhưng tôi bỏ dở việc học” – cụ Thiệt chia sẻ.

Hai năm gắn bó với giảng đường, cụ luôn là người đi sớm nhất và không bỏ sót bất cứ một giờ học nào. Để rồi, đầu tháng 6 vừa qua, cái tên Lê Phước Thiệt đã được đọc vang tại hội trường trong lễ tốt nghiệp. Cụ là học viên lớn tuổi nhất nhận bằng thạc sĩ trong tràng vỗ tay giòn giã của những cô cậu tân cử nhân chỉ ở tuổi cháu chắt của mình và sự ngưỡng mộ và khâm phục của thầy cô, phụ huynh.

“Đi học để não hoạt động, mình bớt bị lú lấn hơn” là câu trả lời của cụ Thiệt khi được hỏi về tấm bằng vừa nhận được. Cụ tâm sự: “Tôi học không phải vì bằng cấp gì cả. Ở cái tuổi này rồi thì cần bằng cấp để làm gì, bọn trẻ tụi cháu mới cần chứ. Học để mình không quên mất những điều xảy ra trong đời, trong cuộc sống vì tuổi cao, đó là điều đáng sợ nhất của tuổi già” - nói rồi cụ Thiệt còn khoe với chúng tôi về tủ sách của mình. Chỉ tay vào một cuốn trên kệ, cụ nói đang nghiên cứu về những vấn đề y tế “để biết cách tự lo cho sức khỏe của mình”.

Lại lui về mái nhà của mình sau khi nhận tấm bằng thạc sĩ, thế nhưng hình ảnh cụ ông với mái tóc bạc phơ chỉnh chu trong bộ lễ phục, nhận tấm bằng tại buổi tốt nghiệp khi bước vào tuổi 85 sẽ còn được nhiều thế hệ sinh viên, giảng viên tại Đà Nẵng nhắc đến như một tấm gương sáng.

Thùy Dung - Thanh Tâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/chinh-phuc-bang-thac-si-o-tuoi-85-613151.ldo