Chính phủ yêu cầu có hướng dẫn việc học sinh dùng điện thoại phục vụ học tập

Tại Nghị quyết 178/NQ-CP, phiên họp thường kỳ tháng 11-2020 của Chính phủ, nêu rõ: Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các địa phương hướng dẫn phù hợp việc sử dụng điện thoại di động và thiết bị công nghệ phục vụ học tập với học sinh, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Thay vì cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại, quy định mới tại Thông tư 32 cấm học sinh sử dụng điện thoại di động nếu không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Quy định này đưa ra để giáo viên không bị hạn chế khi điều kiện cho phép, thấy cần thiết và muốn cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh như một phương tiện hỗ trợ việc học.

Quy định này cũng nhằm hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học chứ không phải học sinh cứ muốn là mang điện thoại và sử dụng trong lớp học.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành hướng dẫn để sử dụng điện thoại trong lớp học, phối hợp với các đơn vị liên quan có chuyên môn về công nghệ thông tin để kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong lớp với mục tiêu phục vụ việc học.

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các địa phương hướng dẫn phù hợp việc sử dụng điện thoại di động và thiết bị công nghệ phục vụ học tập với học sinh.

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các địa phương hướng dẫn phù hợp việc sử dụng điện thoại di động và thiết bị công nghệ phục vụ học tập với học sinh.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT chia sẻ: Theo thông tư 12 trước đây, một trong các hành vi học sinh không được làm là "sử dụng điện thoại di động trong giờ học", tức là cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong giờ học, đã vào lớp học là không được dùng điện thoại. Tuy nhiên, thông tư mới áp dụng từ ngày 1-11 chỉ cấm việc sử dụng mà không phục vụ cho học tập và không được giáo viên cho phép.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, ở thời đại công nghệ thông tin, nguồn học liệu điện tử trên mạng internet ngày càng phong phú và được phát triển để hỗ trợ việc dạy học của giáo viên và học sinh. Ở các quốc gia có điều kiện, học sinh khi đến lớp có thể vừa thực hiện các bài học trên lớp vừa có thể tra cứu thông tin, truy cập các bài học trên mạng internet. Giáo viên tổ chức cho học sinh học tập theo cách như vậy để phát triển phẩm chất, năng lực.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chinh-phu-yeu-cau-co-huong-dan-viec-hoc-sinh-dung-dien-thoai-phuc-vu-hoc-tap-220816.html