Chính phủ xác định những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cuối năm

Chính phủ đã xác định những giải pháp tăng trưởng nhằm tạo đà bứt tốc cho hai tháng cuối cùng của năm 2020. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn của Chính phủ đã cho biết như trên tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 30/10/2020.

Chính phủ chia sẻ những mất mát của đồng bào, chiến sĩ tại miền Trung

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành thời gian mặc niệm, tưởng niệm và chia sẻ những mất mát, đau thương, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ do bão lũ lịch sử gây ra ở miền Trung vừa qua. Từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân, lần đầu tiên trong nhiều năm lũ chồng lũ, bão chồng bão. Thiên tai đã làm hàng trăm người chết, mất tích, khoảng 112.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng tính sơ bộ là hơn 2,7 nghìn tỷ đồng.

“Chính phủ đã đánh giá, thảo luận kỹ về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền Trung vừa qua và những giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời, đưa ra những biện pháp tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, bão lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhưng càng khó khăn chúng ta càng thấy tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, thấy sự đoàn kết, chung sức chung lòng của cả dân tộc trong khó khăn, cả nước đã hướng về miền Trung ruột thịt. Chúng ta cũng thấy được quyết tâm rất lớn rằng, càng khó khăn càng có ý chí vượt khó để đưa đất nước tiến lên.

Thảo luận tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng của năm 2020, Chính phủ thống nhất nhận định: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn là một điểm sáng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 439 tỷ USD, tăng 2,5%; xuất khẩu ước đạt gần 229 tỷ USD, tăng 4,5%; nhập khẩu ước đạt hơn 210 tỷ USD, tăng 0,4%. Xuất siêu kỷ lục hơn 18,7 tỷ USD. Chúng ta đã có 31 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD.

Sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2020; đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Thương mại dịch vụ trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng (tháng 10/2020 tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước); hàng hóa dồi dào, hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa được tích cực triển khai hiệu quả.

Tại phiên họp, Chính phủ, Thủ tướng đã xác định những lĩnh vực ưu tiên cụ thể tập trung triển khai thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2020 nhằm đạt cao nhất mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Cụ thể là các giải pháp về chính sách tiền tệ, tài khóa; hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp, người dân, nhất là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo

Cùng với đó là các giải pháp khơi thông được các luồng vốn tín dụng, đầu tư tư nhân và có biện pháp kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn; các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới có hiệu lực, tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là giải pháp xuất khẩu nông sản chế biến, mang lại giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh tăng trưởng thương mại điện tử.

Bão lũ năm nay hết sức dị thường

Cũng tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, diễn tiến cùng những ảnh hưởng của tình hình bão lũ tại miền Trung vừa qua đã thu hút mối quan tâm của các cơ quan báo chí. Theo đó chưa có khi nào mà trong khoảng thời gian 20 ngày mà miền Trung phải hứng chịu đến 4 cơn bão.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành thông tin, các chuyên gia về địa chất đánh giá, nguyên nhân chính khu vực miền Trung là một khu vực đồi núi cao, phân cách, về địa chất có nhiều loại đất đá cổ, bị đập vỡ nứt nẻ tạo ra các lớp vỏ phong hóa rất dày, nhiều đất sét, đây là điều kiện hết sức bất lợi, khi mưa lớn, đặc biệt lâu ngày, nước chứa trong các lớp phong hóa này sẽ bị nhão và có lực trượt kéo xuống phía dưới.

Về đánh giá tác động môi trường cho các công trình thủy điện nhỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia luôn luôn đánh giá thẩm định về các yếu tố tác động đến đặc thù, bao gồm các tác động đến rừng, thảm thực vật và đa dạng sinh học, đánh giá dòng chảy tối thiểu mà thủy điện trả lại cho hạ du và các yếu tố liên quan khác. Luật Lâm nghiệp đã có quy định hết sức chặt chẽ về việc chuyển đổi đất rừng cho tất cả các loại dự án, không riêng gì các dự án thủy điện với các biện pháp hạn chế hết sức chặt chẽ. Việc bảo đảm trồng lại rừng, phát triển rừng, hiện nay một số nhà máy thủy điện đã bắt đầu nâng cao nhận thức, thực hiện để vừa giữ nguồn sinh thủy cho khu vực nhà máy của mình vừa bảo đảm tránh sạt lở đất.

Từ góc độ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhìn nhận, bão lũ tại miền Trung như vừa qua là hết sức dị thường. Ông Hiệp cho biết thêm, miền Trung hiện xuất hiện nhiều khu vực sạt lở rất phức tạp và không tuân theo quy luật. Các khu vực bị sạt lở nghiêm trọng vừa qua đều là những nơi được xem là ổn định lâu dài, không có trong bản đồ cảnh báo sạt lở.

Nhiều nội dung kinh tế khác cũng được lãnh đạo các Bộ thông tin tại buổi họp báo Chính phủ tháng 10. Liên quan đến tình hình nợ xấu, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, lũy kế từ ngày 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực) đến ngày 30/9/2020, đã có hơn 313 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý, nợ xấu nội bảng 167,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,8%; xử lý các khoản nợ ngoài bảng cân đối đạt 74,9 nghìn tỷ đồng, các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) dưới hình thức trái phiếu đặc biệt được 69,5 nghìn tỷ đồng.

“Trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế khiến người gửi tiền ngân hàng là doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ khó khăn. Trong đó, các ngân hàng là trung gian tài chính cũng bị ảnh hưởng. Đó là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng” - bà Hồng cho biết.

Liên quan đến tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, qua 10 tháng, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện và đạt trên 68% kế hoạch. “Chúng ta còn 3 tháng để thực hiện giải ngân 32% còn lại và Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng năm 2020 sẽ đạt tỉ lệ giải ngân cao” - Thứ trưởng Phương nói.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-phu-xac-dinh-nhung-giai-phap-thuc-day-tang-truong-cuoi-nam-146601.html