Chính phủ trình sửa quy định về quy hoạch tại 13 luật

Sáng 16/5 Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật.Dù còn một số băn khoăn, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn nhất trí để Chính phủ trình dự án luật...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự án luật.

Gồm các luật: Hóa chất, Điện lực, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Phòng chống tác hại thuốc lá, An toàn thực phẩm, Dược, Công chứng, Trẻ em, Đầu tư, Đầu tư công, Khoa học công nghệ, Xây dựng, Quy hoạch đô thị.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, việc sửa đồng thời 13 luật để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành. Việc này cũng góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.

Một trong những quan điểm xây dựng luật là bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân hoặc sửa đổi tên các quy hoạch ngành đảm bảo phù hợp với danh mục quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Luật Quy hoạch.

Chẳng hạn, các quy định về yêu cầu đối với quy hoạch hóa chất, quy hoạch vùng trồng cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học được bãi bỏ. Các quy hoạch ngành than, dầu khí, điện lực và các quy hoạch năng lượng khác sẽ không tiếp tục được lập. Quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn sẽ không tiếp tục lập riêng mà được tích hợp trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh...

Dự thảo luật cũng sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư công theo hướng vốn cho xây dựng quy hoạch sẽ thuộc nguồn vốn đầu tư công.

Đánh giá tác động, Chính phủ cho rằng việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch.

Đây sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả.

Việc ban hành luật không làm phát sinh thủ tục hành chính vì một số lĩnh vực không tiếp tục quản lý bằng quy hoạch mà sẽ quản lý bằng điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tuy nhiên các nội dung này hiện tại đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật (ví dụ sản xuất kinh doanh hóa chất, thuốc lá, dược...).

Tuy nhiên, thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu nhiều băn khoăn.

Như, với Luật Công chứng, Chính phủ đề nghị bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, Luật Công chứng đã quy định cụ thể về điều kiện hành nghề của công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của Văn phòng công chứng. Luật có tới 8 nội dung giao Chính phủ quy định, trong đó có cả điều kiện về trụ sở của Văn phòng công chứng, do đó, không giao Chính phủ quy định thêm các điều kiện khi chưa có đánh giá tác động về nội dung này.

Việc bổ sung quy định này làm thay đổi nội dung của luật, chưa đúng tinh thần là chỉ sửa đổi các nội dung liên quan đến quy hoạch, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý, việc luật giao Chính phủ quy định chính là đẻ thêm thủ tục hành chính, điều mà luật cần phải tránh.

Dù còn một số băn khoăn, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn nhất trí để Chính phủ trình dự án luật ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và thông qua theo quy trình rút gọn trong một kỳ họp.

Nguyễn Lê

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/chinh-phu-trinh-sua-quy-dinh-ve-quy-hoach-tai-13-luat-2018051613060613.htm