Chính phủ tổng kết chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011 - 2020

Việt Nam hiện đang ở giai đoạn 'dân số vàng' với lực lượng thanh niên khoảng 23.684.000 người, chiếm 24,3% tổng dân số cả nước.

Sáng 19/1, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; tổng kết việc triển khai Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020; tổng kết thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo Hội nghị.

Với trách nhiệm là cơ quan chủ trí thực hiện chiến lược, Bộ Nội vụ đã tích cực, chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chiến lược; hàng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác thanh niên; tổ chức Hội nghị, Hội thảo chuyên đề đánh giá kết quả và đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả chiến lược.

Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của thanh niên và trách nhiệm thực hiện cơ chế chính sách phát triển thanh niên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng thanh niên ngày càng nhận thức sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, với bản thân, nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập và lao động. Nhiều thanh niên trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh giỏi; tỷ lệ trí thức trẻ chiếm lĩnh các đỉnh cao của khoa học công nghệ ngày càng gia tăng; sự tham gia của thanh niên và đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ngày càng được tăng cường.

Nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, xã biên giới, hải đảo, xã an toàn khu và vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2013 - 2020, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020. Qua 6 năm triển khai, đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã thuộc 42 tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam tập trung vào nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao gắn với nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập; mục tiêu nâng cao sức khỏe thể lực, tầm vóc, kỹ năng sống cho thanh niên.... Tính đến năm 2020 có 63,03% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương; khoảng 1.000 người được bố trí, quy hoạch vị trí lãnh đạo trong tổ chức khoa học công nghệ; có 100% thanh niên là học sinh, sinh viên được giáo dục hướng nghiệp, đạt chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm Việt Nam đưa được khoảng 80.000 đến 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 70% là thanh niên. Doanh số cho vay hàng năm của Quỹ quốc gia về việc làm từ 2.200 đến 2.500 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động, chủ yếu ở khu vực nông thôn, trong đó có khoảng 50% lao động trong độ tuổi thanh niên.

Đối với Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020. Tính đến ngày 31/12/2014, Hội đồng tuyển chọn của 34 tỉnh và Bộ Nội vụ đã nhận được 5.346 hồ sơ của trí thức trẻ đăng ký tham gia Đề án. Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương hoàn thành công tác tuyển chọn Đội viên Đề án thuộc 34 tỉnh với tổng số 500 Đội viên, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề ra. 500 Đội viên đều được đánh giá đủ điều kiện, tiêu chuẩn để cấp có thẩm quyền bố trí về xã công tác.

Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho 100% cán bộ, công chức trẻ có tuổi đời không quá 30 tuổi tại 2.333 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Theo đó, từ năm 2015 - 2020, có 49 tỉnh thuộc phạm vi Đề án đăng ký nhu cầu bồi dưỡng cho 23.123 cán bộ, công chức trẻ ở xã. Kết quả thực hiện Đề án đã bồi dưỡng được 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã thuộc phạm vi 42 tỉnh trong phạm vi Đề án, đạt 61,2% nhu cầu bồi dưỡng của địa phương và đạt 98% mục tiêu đề ra.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Đề án. Đồng thời đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm phát triển công tác thanh niên trong tình hình mới. Lãnh đạo Bộ Công An cũng đưa ra thực trạng số lượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật cũng đáng báo động, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ từ phía gia đình mà còn từ môi trường xã hội. Trước tình hình thực, Bộ Công An chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nhân rộng những mô hình phòng chống tội phạm. Trong khuôn khổ Hội nghị, lãnh đạo Bộ công an cũng đưa ra những kiến nghị như tăng cường phối hợp với các cơ quan ban ngành, đặc biệt là gia đình, nhà trường…trong công tác quản lý giáo dục, đặc biệt là giáo dục công dân, định hướng nhân cách cho thanh niên thiếu niên.

Nhân dịp này nhiều tỉnh thành cũng đề tiếp tục kéo dài Đề án và mở rộng ra một số huyện miền núi, vùng sâu, xa, khó khăn. Đồng thời cũng đề nghị tăng cường nguồn nhân lực cho cán bộ làm công tác đoàn thanh niên, đồng thời quan tâm tới kinh phí để những kế hoạch của thanh niên được triển khai.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi giai đoạn 2013 - 2020 và Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị để có các giải pháp khắc phục các hạn chế, xây dựng chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2025; tiếp tục tham mưu Chính phủ xem xét cho chủ trương xây dựng và triển khai thực hiện Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2021 - 2025. Các nội dung bồi dưỡng cần bảo đảm ngắn gọn, chuyên sâu, tập trung vào nâng cao kỹ năng cho cán bộ, công chức trẻ phù hợp với từng vùng miền, nhất là nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin. Các ngành, địa phương nghiên cứu quan tâm thu hút đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi, lưu ý cách làm mới, huy động nhiều nguồn lực tạo đột phá để Đề án triển khai đạt hiệu quả. Bộ Nội vụ đôn đốc các địa phương bố trí sử dụng, đào tạo, xét tuyển phù hợp, đúng quy định pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện.

Đối với Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng để nhận thức rõ vai trò quan trọng nâng cao công tác quản lý Nhà nước là cần thiết đối với toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở xã nói riêng; thường xuyên quan tâm, phối hợp thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức; đặc biệt bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành, lĩnh vực công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức trẻ đang được phân công thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bố trí kinh phí cho công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức xã...

Đối với Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn miền núi, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các địa phương quan tâm giải quyết chế độ chính sách đối với đội viên sau khi kết thúc đợt công tác; hướng dẫn cụ thể việc bố trí, sử dụng Đội viên của Đề án tại các địa phương...

Việt Nam hiện đang ở giai đoạn “dân số vàng” với lực lượng thanh niên khoảng 23.684.000 người, chiếm khoảng 24,3% tổng dân số cả nước. Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của thanh niên và trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách phát triển thanh niên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã triển khai đầy đủ và toàn diện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên theo chức năng, nhiệm vụ được giao./.

Lan Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chinh-phu-tong-ket-chien-luoc-phat-trien-thanh-nien-giai-doan-2011-2020-831613.vov