Chính phủ số sẽ được triển khai theo hướng nào?

Tháng 9 năm trước, nhân dịp Hội nghị WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn Báo The Straits Times (Singapore), trong đó nhấn mạnh Việt Nam đang hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, xã hội số.

Chính phủ số là gì? Theo định nghĩa của ngân hàng thế giới (World Bank) thì "Chính phủ số là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng một cách có hệ thống CNTT-TT để thực hiện quan hệ với công dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Nhờ đó giao dịch của các cơ quan Chính phủ với công dân và các tổ chức sẽ được cải thiện, nâng cao chất lượng. Lợi ích thu được sẽ là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào sự tăng trưởng và giảm chi phí".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2018

Tham gia số gồm 3 chủ thể: người dân, Chính phủ và doanh nghiệp. Các mối quan hệ tương tác giữa 3 chủ thể gồm:

- G2C: Quan hệ Chính phủ với người dân.

- G2B: Quan hệ Chính phủ với doanh nghiệp.

- G2G: Quan hệ các cơ quan Chính phủ với nhau.

Thời gian tới, Chính phủ số sẽ được triển khai theo 3 hướng. Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử; hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng; thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ. Trong đó, có 6 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia cần được ưu tiên triển khai gồm có: CSDL quốc gia về Dân cư (do Bộ Công an chủ trì); CSDL Đất đai quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường); CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia Thống kê tổng hợp về Dân số (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); CSDL quốc gia về Tài chính; CSDL quốc gia về Bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).

Thứ hai, trong công tác cái cách hành chính, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là khâu đột phá; kiên quyết không để phát sinh các điều kiện kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành sau khi đã cắt giảm, đơn giản hóa; loại bỏ việc lồng ghép, bổ sung các điều kiện kinh doanh trong văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành, địa phương hoặc quy định dưới dạng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Mục tieu cao nhất của nội dung này nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi như một hệ sinh thái cho phát triển kinh tế số, trước hết là môi trường pháp lý, cơ chế chính sách, thể hiện nhất quán quan điểm cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm với các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng ứng dụng công nghệ số của thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tạo sự lan tỏa trong ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, đẩy mạnh công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn liền với chuyển đổi số.

Thứ ba, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; triển khai thực hiện cơ chế một cửa đối với tất cả các thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và công tác đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính tại tất cả các bộ, ngành, địa phương. Rà soát, lựa chọn các thủ tục hành chính đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định pháp luật để đưa vào cung cấp dịch công trực tuyến mức độ 3, 4.

Khang Nhi

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chinh-phu-so-se-duoc-trien-khai-theo-huong-nao-59366.htm