Chính phủ sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư
Sáng 9-8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ ứng dụng chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt Đề án 06).
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và 63 tỉnh, thành.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Thiên Di
Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai, các ông: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh; Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo một số, sở, ban ngành của tỉnh, địa phương.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án tập trung chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ đã tổ chức 1 hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai đề án; đưa việc thực hiện đề án vào nội dung các phiên họp Chính phủ thường kỳ để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện. Thủ tướng Chính phủ chủ trì 2 cuộc họp chỉ đạo 6 nhiệm vụ chung, 32 nhiệm vụ cụ thể của đề án. 23/23 bộ, ngành cùng 63 tỉnh, thành phố, 705 cấp huyện và 10.599 cấp xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác triển khai đề án. Qua 6 tháng, Đề án 06 xác định 5 nhóm tiện ích lớn, trong đó có 13 nhóm nhiệm vụ chung, 98 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành trung ương; 13 nhóm nhiệm vụ chung, 8 nhiệm vụ cụ thể của địa phương. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ; địa phương hoàn thành 4/13 nhiệm vụ chung và 1/8 nhiệm vụ cụ thể với nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu phục vụ đề án và xây dựng dự thảo các văn bản nhằm hoàn thiện thể chế; 21/25 dịch vụ thiết yếu thực hiện môi trường điện tử, đạt kết quả tích cực; cơ sở dữ liệu về dân cư quốc gia đã triển khai kết nối chính thức đối với cơ sở dữ liệu 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương; triển khai các giải pháp hỗ trợ một số hội, đoàn thể xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai kết nối dữ liệu phục vụ công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam; đẩy mạnh ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử với hơn 6 triệu hồ sơ, gần 8 ngàn tài khoản; hệ thống thông tin công nghệ thông tin của 20 bộ, ngành và 61 địa phương được kiểm tra, khắc phục lỗ hổng và có 11 bộ, ngành cùng 28 địa phương có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu an ninh, an toàn khi kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; công tác tuyên truyền được chú trọng với hơn 104 tin, 20 phóng sự phát trên VTV1, ANTV.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện Đề án 06 như: người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc thực hiện đề án; công tác rà soát văn bản pháp luật cần bổ sung chưa đảm bảo chất lượng; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; còn 10 hệ thống của bộ, ngành, 33 địa phương chưa đáp ứng an ninh an toàn, chưa thể kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nguồn nhân lực thực hiện quản trị hệ thống ở các bộ, ngành địa phương chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương một số Bộ, ngành và địa phương nỗ lực vượt khó để đạt được những kết quả bước đầu tích cực, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế và xã hội số, phục hồi nhanh kinh tế-xã hội; đồng thời đề nghị trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng khắc phục vướng mắc, tồn tại, khó khăn và học hỏi những kinh nghiệm hay, huy động sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân nhằm thực hiện có hiệu quả hơn mục tiêu của đề án trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.
THIÊN DI
