Chính phủ sẽ trình Quốc hội lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Kỳ họp thứ Sáu

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính phải rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu vào tháng 10 tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

Việt Nam có khoảng 90 tập đoàn chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Nguồn: ITN

Việt Nam có khoảng 90 tập đoàn chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Nguồn: ITN

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát những bất cập, chưa đồng bộ của quy định pháp luật về thuế với các quy định đối tượng hưởng ưu đãi thuế của pháp luật chuyên ngành để đề xuất, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định pháp luật về thuế bảo đảm đồng bộ với pháp luật khác có liên quan trong Quý III năm 2023.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn của Việt Nam trình vào Kỳ họp thứ 6 Quốc hội năm 2023.

Trong Quý III năm 2023, Bộ phải trình Chính phủ sửa đổi các quy định về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, nhân lực chất lượng cao trong nước để mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam.

Cũng tại Chỉ thị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế, không trái với quy định và cam kết quốc tế trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên, khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu cũng như các nhà đầu tư mới, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Đến nay 163 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đồng thuận với giải pháp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Theo đó, các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro (tương đương 870 triệu USD hoặc 19.500 tỷ đồng) trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở mức 15%. Các công ty đang hưởng thuế suất thấp hơn mức 15% tại quốc gia đầu tư sẽ phải nộp bổ sung khoản chênh lệch tại nước đặt trụ sở chính.

Theo nguyên tắc đã công bố, các quốc gia có thể không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhưng buộc phải công nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu mà quốc gia khác áp dụng.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, phần lớn các nước đầu tư ra nước ngoài sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%). Trong đó có các nước, vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.

Các nước nhận vốn đầu tư nước ngoài cũng đang nghiên cứu chính sách ứng phó, tránh việc các doanh nghiệp phải nộp thuế bổ sung về nước mà công ty mẹ đóng trụ sở chính; đồng thời tìm kiếm giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các công ty thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các công ty mới.

Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 cho thấy ở Việt Nam, trước mắt có khoảng 90 tập đoàn chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, ông Đặng Ngọc Minh cho biết. Phần chênh lệch giữa thuế tối thiểu toàn cầu và thuế thực tế của 90 tập đoàn này ước tính từ 10 – 20 nghìn tỷ đồng trong năm 2024.

Số tiền này các tập đoàn hoặc sẽ phải nộp về quốc gia có công ty mẹ nếu nước này áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, hoặc sẽ nộp vào ngân sách Việt Nam nếu Việt Nam tham gia cuộc chơi của OECD.

Trong chuỗi các sự kiện gần đây về thuế tối thiếu toàn cầu, các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất rằng Việt Nam nên chủ động áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và có chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp FDI chịu tác động để bảo đảm cạnh tranh hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Về cách đánh thuế, các huyên gia của OECD, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các công ty kiểm toán cũng như các hãng luật... đều gợi ý Việt Nam áp dụng “thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn” (viết tắt là QDMTT) theo quy tắc mẫu GloBE thay vì áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung chung (15%).

Lý do, QDMTT là cơ chế đạt chuẩn theo quy định của OECD. Các cơ chế khác (ví dụ áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15%) sẽ không thống nhất theo công thức tính của OECD, dẫn đến tổng nghĩa vụ thuế của toàn tập đoàn sẽ bị tăng lên. Việc này vừa gây thiệt hại về tài chính cho nhà đầu tư, vừa gây khó khăn trong việc áp dụng và không thể hiện được sự hội nhập chính sách thuế của Việt Nam với quốc tế.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chinh-phu-se-trinh-quoc-hoi-lo-trinh-ap-dung-thue-toi-thieu-toan-cau-tai-ky-hop-thu-sau-i329967/