Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam hiện đang được thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và nếu được thông qua, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đoàn tàu cao tốc tại một nước châu Âu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đoàn tàu cao tốc tại một nước châu Âu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo báo cáo mới nhất vừa được Bộ Giao thông Vận tải gửi tới Quốc hội, hiện nay, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang triển khai các thủ tục để tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam theo Quyết định số 859/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có Tờ trình số 1281/TTr-BGTVT ngày 14/2/2019, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trên trục Bắc-Nam.

Theo định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt được Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ đã dự kiến giai đoạn đến 2021, tuyến đường sắt Bắc-Nam sẽ được tập trung nâng cấp và từng bước hiện đại hóa; tiếp tục rà soát, kêu gọi đầu tư các dự án đã nghiên cứu; tập trung nghiên cứu dự án tiền khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam làm cơ sở chuẩn bị về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ…

Giai đoạn 2021-2032, cân đối và bố trí vốn để hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án theo quy hoạch, nhất là các tuyến kết nối đường sắt đến cảng Hải Phòng, cụm cảng Cảng Cái Mép-Thị Vải; hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để có thể thực hiện đầu tư giai đoạn 1.

Giai đoạn 2032-2050 tiếp tục đầu tư và hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Đề cập đến việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy hiện nay, trên cơ sở nguồn vốn được bố trí (7.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020), Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt 4/4 dự án đường sắt quan trọng nhằm cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh và đang triển khai lập thiết kế bản vẽ thi công.

Theo kế hoạch, bộ đã khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 5/2020 , dự kiến phấn đấu hoàn thành các dự án trong năm 2021.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, từ tháng 10/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Đường sắt Việt Nam và Ban Quản lý dự án đường sắt chuẩn bị, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập chủ trương đầu tư các dự án nhằm tiếp tục cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, nghiên cứu đầu tư các tuyến mới theo quy hoạch.

Hiện nay, các đơn vị đang hoàn thiện nghiên cứu làm cơ sở để Bộ Giao thông Vận tải trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền./.

Theo phương án được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam dài hơn 1.500km và đi qua 20 tỉnh, thành. Đường sắt điện khí hóa với 2 làn ray 1.435mm. Tổng mức đầu tư 1,34 triệu tỷ đồng (tương đương 58,71 tỷ USD). Tốc độ thiết kế tàu chạy 350km/giờ, tốc độ khai thác 320km/giờ, chia làm 2 giai đoạn.

Để thực hiện mục tiêu này, ngân sách bỏ ra 80% tổng vốn đầu tư hạ tầng, kêu gọi tư nhân đầu tư bằng 20% tổng vốn vào đầu máy toa xe và nhà ga để khai thác thu hồi vốn.

Nhóm PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chinh-phu-tiep-tuc-trinh-quoc-hoi-du-an-duong-sat-cao-toc-bacnam/641616.vnp