Chính phủ sẽ quy định số lượng cấp phó tối đa, biên chế tối thiểu

Dự luật được chỉnh lý theo hướng bổ sung nội dung Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; quy định tiêu chí thành lập đơn vị bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Chiều 15-7, tiếp tục chương trình phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự luật.

Theo chỉ đạo của UBTVQH, ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu để chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn về khung số lượng cơ quan chuyên môn nhằm bảo đảm tính thống nhất của nền hành chính, sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của trung ương nhưng vẫn tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp (ảnh QH)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp (ảnh QH)

Bên cạnh đó, có ý kiến ĐBQH đề nghị không nên quy định cụ thể về các đơn vị bên trong, trực thuộc cấp tổng cục, cục, vụ, viện, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện như thể hiện tại khoản 3b Điều 23 của dự thảo Luật vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức Chính phủ.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với ý kiến của các ĐBQH cho rằng, việc giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương chủ động quyết định, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể.

Từ đó, xác định những cơ quan chuyên môn nhất thiết phải tổ chức, những cơ quan chuyên môn có thể tổ chức linh hoạt tùy theo đặc điểm, tình hình của địa phương và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, không phải địa phương nào cũng có.

Như vậy, trên toàn quốc sẽ tạo nên sự “thống nhất trong đa dạng” trong việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, không còn tình trạng tổ chức đồng nhất như nhau giữa các địa phương, không phải trung ương có cơ quan nào thì địa phương có cơ quan đó...

Do đó, Dự luật được chỉnh lý theo hướng bổ sung nội dung Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; quy định tiêu chí thành lập đơn vị bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Đồng thời, Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa, biên chế tối thiểu trong các cơ quan hành chính nhà nước. Dự luật cũng qui định giao quyền chủ động cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc bố trí số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ bảo đảm yêu cầu công việc.

Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng phải bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị. Số lượng cụ thể cấp phó của mỗi đơn vị do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định theo yêu cầu công việc.

Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, dự thảo Luật cũng qui định gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp và việc bảo đảm các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương.

Để tránh phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm trách nhiệm và hiệu lực quản lý nhà nước, dự thảo Luật xác định nguyên tắc đối với các luật chuyên ngành khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương các cấp phải quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương ở từng cấp không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chinh-phu-se-quy-dinh-so-luong-cap-pho-toi-da-bien-che-toi-thieu-155458.html