Chính phủ Pháp thoát nạn sau vụ Benalla

Ngày 31/7, Quốc hội Pháp, mà đảng của Tổng thống Emmanuel Macron chiếm đa số, đã bác bỏ hai kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ, do đảng đối lập cánh hữu và liên đảng đối lập cánh tả đệ trình trong khuôn khổ vụ Benalla.

Alexandre Benalla (trái) luôn có mặt bên cạnh Tổng thống Macron

Hai yêu cầu này tách riêng và do hai nhóm khác nhau trong Quốc hội Pháp đưa ra, một của đảng cánh hữu “Những người Cộng hòa” (LR) và một thuộc về nhóm các đảng cánh tả, gồm đảng Nước Pháp bất khuất (FI), đảng Cộng sản Pháp (PCF) và đảng Xã hội (PS).

Các đảng đối lập chỉ trích rằng, vụ việc này là một minh chứng cho thấy có những “lỗ hổng nghiêm trọng” trong hoạt động của chính quyền Pháp ở cấp độ cao nhất và là biểu hiện của xu hướng chuyên quyền của Tổng thống Pháp Macron.

Đây là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên mà chính phủ Pháp của Thủ tướng Edouard Philippe phải đối mặt kể từ khi ông Macron lên làm Tổng thống Pháp cách đây hơn 1 năm và giao cho ông Edouard Philippe việc thành lập chính phủ.

Hiện đảng “Nền Cộng hòa tiến bước” (LREM) của Tổng thống Macron cùng đảng liên minh “Phong trào Dân chủ” (MoDem) đang chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp.

Việc đệ trình hai kiến nghị của đảng cánh hữu và liên đảng cánh tả thật ra chỉ mang tính biểu tượng, vì hai kiến nghị này không thể thu đủ đa số 289 phiếu cần thiết để được thông qua. Tuy nhiên, đây là cách để phe đối lập buộc chính phủ phải giải trình về vụ Benalla, đồng thời là dịp để họ lên án chính phủ muốn che giấu sự thật về vụ này.

Trong khi đó, dư luận Pháp vẫn tiếp tục sục sôi với vụ bê bối mà báo chí Pháp gọi là Benallagate.

Mọi việc bắt đầu khi báo Le Monde ngày 18/7 tiết lộ về vụ Alexandre Benalla, một cận vệ thân cận của Tổng thống Macron, đeo băng tay và đội mũ cảnh sát dã chiến, bị quay phim lúc đang bạo hành hai sinh viên trong cuộc biểu tình tại Paris nhân ngày lễ Lao động 1/5.

Hệ quả chính trị bất ngờ đầu tiên là Quốc hội Pháp kể từ hôm 22/7 đã phải tạm hoãn khóa họp bàn về dự luật cải tổ Hiến pháp, do thái độ bất hợp tác hoàn toàn của các dân biểu đối lập, liên tục lên diễn đàn đòi chất vấn chính phủ về vụ Benalla. Đến ngày 23/7, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérard Collomb phải ra điều trần trước ủy ban điều tra Quốc hội Pháp.

Sau một tuần im lặng kể từ khi vụ Benalla bùng nổ, ngày 24/7, Tổng thống Macron đã tuyên bố thẳng thắn trước các nghị sĩ trong đa số đang cầm quyền rằng ông nhận toàn bộ trách nhiệm vụ việc. Trước nhiều nghị sĩ thuộc hai đảng LREM và Modem đang cầm quyền tại Pháp và một số thành viên chính phủ, Tổng thống Pháp xác định ông là “người duy nhất chịu trách nhiệm” trong vụ tai tiếng đang leo thang thành khủng hoảng chính trị tại Pháp, với các đảng đối lập liên tục lao vào đả kích đều bị cho là bản thân ông và phủ tổng thống đã bao che cho người thân tín của tổng thống.

Nhấn mạnh rằng “một nền Cộng hòa gương mẫu không thể tránh khỏi sai sót”, ông Macron đã không ngần ngại tuyên bố: “Nếu họ muốn tìm ra người chịu trách nhiệm, thì người duy nhất chịu trách nhiệm là tôi, Tổng thống nước Cộng hòa, là người đã tin tưởng Alexandre Benalla, đã biết rõ vụ việc”.

Tổng thống Pháp cũng đồng thời lên án hành động của Benalla, cho rằng hành động của ông Benalla ngày 1/5 rất đáng “thất vọng” và là một sự “phản bội” đối với ông. Ông Macron cũng khẳng định là không hề có ai trong giới thân cận với ông được bao che để tránh bị luật pháp trừng phạt.

Mặc dù Tổng thống Macron đã lên tiếng nhận toàn bộ trách nhiệm về vụ tai tiếng Benalla, nhưng khủng hoảng do vụ này vẫn tiếp diễn. Cũng trong ngày 24/7, ông Patrick Strzoda, chánh văn phòng của Tổng thống Emmanuel Macron, ra điều trần trước Ủy ban điều tra của Quốc hội Pháp về vụ tai tiếng Benalla. Ngày 26/7, đến lượt tổng thư ký Điện Elyseé Alexis Kohler, cánh tay phải của Tổng thống Macron, ra điều trần trước ủy ban điều tra của Thượng viện Pháp.

Chưa dừng lại, ngày 26/7, nhóm dân biểu thuộc đảng đối lập cánh hữu Những Người Cộng hòa đã đệ trình một kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ Pháp về vụ Benalla. Một kiến nghị bất tín nhiệm chung khác được các dân biểu đảng Xã Hội, đảng Cộng sản và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất đưa ra. Các kiến nghị này được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Pháp chiều 31/7.

Theo phân tích của báo chí Pháp, vấn đề xô xát giữa nhân viên công lực và người biểu tình, hay việc người biểu tình bị lực lượng cảnh sát dùng vũ lực giải tán không phải là một cảnh hiếm hoi, nhưng vụ Benalla đã làm dấy lên một làn sóng bất bình ngày càng mạnh vì tính chất bất thường của vụ việc. Người cận vệ thân tín của Tổng thống Macron hoàn toàn không có phận sự gì tại nơi diễn ra biểu tình, nhưng lại có đủ trang bị của một cảnh sát, từ mũ bảo hiểm, băng đeo tay, cho đến máy bộ đàm, và lại có hành vi thô bạo đối với người biểu tình hơn cả cảnh sát, mà không hề bị ai cản trở.

Đến khi vụ việc đến tai phủ tổng thống, biện pháp kỷ luật đối với tác giả vụ bạo hành lại bị cho là quá nhẹ, không tương xứng với lỗi mà anh đã phạm phải. Điều này làm dấy lên suy nghĩ là phủ tổng thống Pháp tìm cách bao che cho người thân cận của ông Macron. Tâm lý bất bình càng lúc càng tăng trong bối cảnh phủ tổng thống Pháp khá im hơi lặng tiếng, đặc biệt là tổng thống Macron. Báo chí Pháp không ngần ngại gọi đây là một Benallagate - so sánh vụ này với vụ Watergate - đầu thập niên 1970 - thời Tổng thống Mỹ Richard Nixon trước đây, đã tác động đến cấp cao nhất nhà nước Mỹ, dẫn đến việc ông Nixon phải từ chức.

Theo nhà sử học Jean Garrigues, trong lịch sử chính trị Pháp đã từng xảy ra những vụ bê bối tương tự. SAC (Cơ quan hành động dân sự) được tướng De Gaulle thành lập năm 1960 gồm những vệ sĩ trung thành với tổng thống, nhưng là một loại cảnh sát không chính thức bị cáo buộc những vụ giết người, lừa đảo… và bị Tổng thống François Mitterand cho giải thể năm 1982. Tiếp đó là bộ phận chuyên nghe lén đã ghi âm các cuộc đối thoại của trên 2.000 người thời ông Mitterand. Phe cực tả và cực hữu cũng coi vụ Benalla là Watergate của Pháp.

Theo ông Garrigues, vụ Benalla không thể sánh được với các vụ trên về bối cảnh và mức độ trầm trọng. Tuy nhiên các bài học rút ra cũng tương tự: lạm dụng quyền lực, thiếu minh bạch, toan bóp nghẹt vụ việc bằng việc xử lý nội bộ thay vì tuân theo pháp luật.

Trong một bài nhận định đăng trên tạp chí L’Obs, nhà phân tích Pascal Riché công nhận rằng vụ tai tiếng Benalla quả thực là có nguy cơ nổ lớn vì hàm chứa 4 tai tiếng khác nhau: dùng bạo lực vô cớ, mạo danh nhân viên công lực, sử dụng “lính kín” và mưu toan nhận chìm vụ việc. Theo tác giả, khi kết hợp lại với nhau, bốn yếu tố này biến thành một loại bom chùm nổ chậm.

Trong bài xã luận mang tựa đề “Benalla, một vụ tầm cỡ Nhà nước”, Le Monde nhận định trong lúc ông Macron muốn nhiệm kỳ tổng thống của mình phải là mẫu mực, thì chính một thiếu sót lớn về đạo đức và trách nhiệm đã gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất từ khi ông đắc cử.

Theo Le Monde, sau khi hành hung hai người biểu tình hôm 1/5, Benalla chỉ bị đình chỉ 15 ngày. Dư luận xôn xao, nhưng mãi đến ngày 20/7 Benalla mới bị sa thải, tuy thái độ và cách thức làm việc từ lâu đã gây quan ngại.

Khi trả lời báo Le Point, luật sư Patrice Spinosi - làm việc tại Tham Chính Viện và Tòa Phá Án, tuy thừa nhận các bê bối xung quanh những hành động lạm quyền của cựu vệ sĩ của Tổng thống Macron cho thấy “mặt khuất”, nhưng mặt khác ông cũng nhấn mạnh là, cho đến nay việc xử lý vụ việc đang diễn ra một cách “lành mạnh”, cho thấy “tính minh bạch” của nền dân chủ tại Pháp. Luật sư Patrice gợi ý nên coi vụ Benalla là “một tiền lệ” để thúc đẩy quyền lực đối trọng, Quốc hội phải “đảm nhiệm đầy đủ vai trò” Hiến định của mình.

H.Phan

Theo AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chinh-phu-phap-thoat-nan-sau-vu-benalla-510180.html