Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV chiều 27-10 về các vấn đề kinh tế - xã hội, khẳng định: 'Chúng ta thực hiện một chính sách về tài khóa chặt chẽ nhưng thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đồng thời Chính phủ không có một động thái nào trong việc nới lỏng kiểm soát về lạm phát'

Đại biểu tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế-xã hội Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV chiều 27-10

“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền của chúng ta để hỗ trợ cho xuất khẩu”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trước đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) có băn khoăn rằng, trong ba năm qua, đặc biệt là năm 2018 chúng ta vẫn luôn giữ được lạm phát ở mức dưới 4%, bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, giá thực phẩm, về tỷ giá diễn ra đồng thời. Đó là một trong những thành tựu quan trọng bậc nhất, thể hiện bản lĩnh và năng lực điều hành kinh tế của Chính phủ. Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho việc ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn.

“Vậy, tại sao chúng ta lại không tiếp tục kiên định mục tiêu, kiềm chế lạm phát dưới 4%?” - ông đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong điều kiện thế giới có những biến động về giá cả và chúng ta cần đẩy mạnh một số dịch vụ công như giáo dục và đào tạo thì việc đặt ra chỉ tiêu (lạm phát) khoảng 4% là cần thiết, trong điều hành thì Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ điều hành chặt chẽ và kiểm soát lạm phát dưới mức 4%, giữ vững mặt bằng lãi suất và cố gắng giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.

Phó Thủ tướng Vương ĐÌnh Huệ tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 27-10.

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, chúng ta kiểm soát thành công lạm phát dưới 4% trong ba năm liên tiếp, giữ được mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Chúng ta điều hành tỷ giá theo nguyên tắc thị trường có tính thận trọng hơn. Chúng ta kết hợp rất tốt chính sách tài khóa với tiền tệ, chính sách về ngoại thương.

Phó Thủ tướng lưu ý rằng, kinh tế thế giới có diễn biến phức tạp, khó lường đặc biệt về bảo hộ thương mại, căng thẳng thương mại và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Căng thẳng chính trị cũng làm cho giá cả thế giới diễn biến bất thường nhất là giá dầu thô. Chính sách về lãi suất của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ, giá đô-la tăng, nhiều nước bên cạnh ta giảm giá đồng tiền nên lãi suất thế giới tăng cao gây áp lực lớn đến điều hành của ta. Vì vậy, nhất quán từ đầu nhiệm kỳ là Chính phủ coi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, bảo đảm các cân đối của nền kinh tế như là năng lượng, điện, lương thực, thu chi ngân sách và bảo đảm bền vững về nợ công, cán cân thương mại và cán cân thanh toán vãng lai, tăng cường dự trữ ngoại hối.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị, trước sức ép lạm phát lớn, nhất là biến động tỷ giá lãi suất trên thế giới và căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, chúng ta cần tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực còn có những hạn chế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao những kết quả đã đạt được về các chỉ tiêu kinh tế xã hội trong năm 2018 cả về lượng, chất và tính bền vững.

Về tính bền vững, đại biểu dẫn chứng: “Kinh tế vĩ mô được giữ ổn định trong nhiều năm và lạm phát chúng ta được kiểm soát dưới 4% trong ba năm liên tục, đặc biệt hơn là cán cân thương mại xuất siêu trong ba năm liên tiếp và chín tháng đầu năm nay, chúng ta xuất siêu tới 6,3 tỷ đôla. Điều này quan trọng ở chỗ là chúng ta thặng dư được cán cân thanh toán vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế nên chúng ta đã tăng được dự trữ ngoại hối”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, chính điều này đã góp phần giúp Việt Nam tránh được cú sốc từ bên ngoài. “Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra trong năm 2018 thì nó đã tác động đến thị trường tiền tệ quốc tế, nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá từ 10-20%, nhưng ở Việt Nam tỷ giá biến động nhẹ và được kiểm soát trong phạm vi cho phép”, ông nói.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn chứa đựng rất nhiều nguy cơ cũng như rủi ro, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là vừa phải duy trì, củng cố kết quả đạt được, nhất là việc ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại nên kinh tế, đổi mới thực chất hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng, đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động và cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của nền kinh tế và đưa nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng và đi vào quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững, liên tục trong một thời gian chứ không phải là trong một thời gian ngắn.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Quốc hội.

Bộ trưởng đồng tình với một số giải pháp mà các đại biểu đã nêu. Đó là nền kinh tế trong thời gian tới phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để thúc đẩy phát triển nhưng cũng phải bảo đảm thúc đẩy phát triển nhanh để tiếp tục duy trì sự ổn định vĩ mô đó.

“Đây là một mục tiêu mà chúng tôi cho rằng là phải được dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải tận dụng được, đào tạo tốt được nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

LÊ HÀ - Ảnh: DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38063202-chinh-phu-nhat-quan-chinh-sach-on-dinh-gia-tri-dong-tien.html