Chính phủ Mỹ sắp mở cửa trở lại?

800.000 nhân viên liên bang đang nghỉ tạm thời hoặc làm việc không lương trong khi với kế hoạch tổ chức hai cuộc bỏ phiếu trong tuần này, Thượng viện Mỹ vừa tiến gần hơn một chút đến khả năng mở cửa chính phủ trở lại.

Một phụ nữ chạy bộ qua trụ sở Quốc hội Mỹ Ảnh: Carlos Barria

Một phụ nữ chạy bộ qua trụ sở Quốc hội Mỹ Ảnh: Carlos Barria

Những diễn biến chính trị rắc rối khiến rối loạn và nhiều nhân viên liên bang đang gánh chịu hậu quả nhiều hơn cả. Người dân được nghe nhiều câu chuyện kể trên truyền hình về những người phải bỏ qua những liều thuốc quan trọng cho sức khỏe của họ hay không có tiền trả thuê nhà.

Anh Francis Nichols III, một nhân viên tòa án, nói với CNN rằng anh đang phải tiết kiệm dùng gas để có tiền mua thực phẩm và cho con 55 cent (hơn 10 nghìn đồng) mua sữa mỗi ngày.
Sự thật phũ phàng là nỗi vất vả của những nạn nhân trong tình trạng chính phủ đóng cửa một phần vẫn chưa đủ để thay đổi tính toán chính trị của các đảng chủ chốt. Tình hình có thể khác đi nếu các nhân viên của Cục quản lý vận tải Mỹ làm việc ở các điểm kiểm soát sân bay nghỉ việc hàng loạt, hay dịch vụ hoàn thuế cho hàng triệu người Mỹ ngừng hoạt động.

Dù báo chí phản ánh ngày càng nhiều về cảnh ngộ của những người như thế, nỗi khổ của họ vẫn chưa gây đủ áp lực chính trị lên ông Trump hay phe Dân chủ của bà Pelosi để khiến họ nhường bước cho chính phủ khôi phục hoạt động đầy đủ.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phần đông dân số đổ lỗi cho ông Trump, chứ không phải phe Dân chủ, về đợt đóng cửa này. Điều đó nghĩa là bà Pelosi không có lý do chính trị bắt buộc để chấp nhận nhượng bộ. Còn ông Trump thể hiện rằng ông lo lắng về việc không thể hoàn thành mong muốn của nhóm cử tri đã bỏ phiếu cho ông hơn là giành thêm ủng hộ. Vì thế, ông cũng có lý do để khăng khăng với yêu cầu của mình.

Lãnh đạo nhóm đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell ủng hộ đề xuất của Tổng thống Donald Trump đổi việc bảo vệ tạm thời người nhập cư bất hợp pháp khỏi nguy cơ bị trục xuất lấy 5,7 tỷ USD tiền ngân sách xây tường biên giới giữa Mỹ với Mexico. Trong khi đó, dự luật của phe Dân chủ đề xuất mở cửa chính phủ trở lại nhưng không cấp tiền xây tường biên giới. Dự luật này đã được Hạ viện Mỹ thông qua và bị ông Trump phản đối.

Các nghị sĩ Dân chủ nói sẽ không đánh đổi việc khôi phục tạm thời chương trình bảo vệ người nhập cư khỏi bị trục xuất lấy một bức tường biên giới vĩnh viễn. Nhưng hai cuộc bỏ phiếu sắp tới của Thượng viện sẽ mở đường cho khả năng đàm phán của hai đảng, điều cần thiết để chấm dứt đợt đóng cửa chính phủ lâu nhất trong lịch sử, bắt đầu từ ngày 22/12.

Reuters dẫn lời một quan chức chính quyền Trump nói rằng Tổng thống sẽ vẫn đọc thông điệp liên bang vào ngày 29/1, dù Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng ông nên trì hoãn vì chính phủ đóng cửa.

Giữa những ồn ào, cả hai phe đều hiểu rằng hai cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện sẽ đều thất bại vì phản đối của phe kia. Nếu không có sự nhượng bộ nào từ Tổng thống hay đối thủ Dân chủ, sẽ không có gì xảy ra trong vài ngày tới để có thể giải quyết bế tắc. Nhưng Thượng viện Mỹ thường làm việc theo những cách bí ẩn, CNN nhận định.

Nhà Trắng đề xuất để Tổng thống đọc thông điệp liên bang dự kiến diễn ra vào ngày 29/1 tại Hạ viện, nhưng bị từ chối. Nếu Tổng thống đọc thông điệp tại trụ sở Hạ viện mà không được bà Pelosi cho phép sẽ gây ra tình huống rắc rối về hiến pháp, nên ông Trump đang nghĩ đến việc đọc thông điệp này ngoài phố, giống như kiểu vận động tranh cử.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/chinh-phu-my-sap-mo-cua-tro-lai-1370889.tpo