Gấp rút hoàn thiện những công việc cuối cùng cho Ngày bầu cử

Không khí rộn ràng, chuẩn bị sẵn sàng cho Ngày hội bầu cử đang diễn ra trên khắp các tỉnh, thành phố

Tại Yên Bái, tỉnh đang gấp rút hoàn thiện những phần việc cuối cùng của công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho Ngày hội toàn dân diễn ra vào cuối tuần này.

Các lực lượng gấp rút chuẩn bị cho ngày bầu cử tại tỉnh Yên Bái

Các lực lượng gấp rút chuẩn bị cho ngày bầu cử tại tỉnh Yên Bái

Do yếu tố dịch bệnh, những cử tri đang cách ly không thể trực tiếp nghiên cứu danh sách, tiểu sử các ứng cử viên tại các điểm niêm yết danh sách công khai, do đó, Ban điều hành khu cách ly đã dùng loa lưu động để vừa tuyên truyền phòng chống Covid-19, vừa phát đầy đủ thông tin tiểu sử, danh sách những người ứng cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại địa phương, cùng các quy định về luật bầu cử đến các cử tri đang cách ly.

Đến nay, tỉnh miền núi Yên Bái đã chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các điều kiện tại 1.154 khu vực bỏ phiếu ở tỉnh, sẵn sàng cho trên 592 nghìn cử tri đi bỏ phiếu vào ngày 23/5 tới đây.

Tại Quảng Nam, cùng với cử tri cả nước, cử tri ở các vùng sạt lở núi tỉnh Quảng Nam đang hướng về ngày hội bầu cử với tất cả trách nhiệm và tình cảm của những công dân từng được các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân địa phương cưu mang, giúp đỡ.

Trở lại Khu dân cư Bằng La những ngày này, khó ai nhận ra thiên tai đã từng gieo rắc đau thương cho hàng chục hộ dân nơi đây. Những con đường, những ngôi nhà mới rực rỡ cờ hoa, băng rôn chào mừng Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ở vào tuổi thất thập cổ lai hy, già làng Hồ Văn Đề dường như là hiện thân cho những đau thương, mất mát của người dân Trà Leng. Trong số 22 người tử nạn sau vụ sạt lở năm ngoái thì có đến 8 người thân của ông. Thế nhưng, nghị lực của “người lính cụ Hồ”, không cho phép già làng Hồ Văn Đề gục ngã. Vượt qua nỗi đau mất mát, ông Đề nay là điểm tựa tinh thần cho bà con Mơ Nông trên hành trình tái thiết sau thiên tai.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (áo xanh) động viên bà con vùng sạt lở ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Tại nhà sinh hoạt cộng đồng vừa khánh thành, già làng Hồ Văn Đề cùng bà con xem qua danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Nhiều ngày qua, bà con được nghe thông tin về ngày hội bầu cử toàn dân thông qua loa phát thanh và xe truyền thanh lưu động, trong lòng ai cũng tràn đầy khí thế, hướng về ngày hội non sông. Già làng Hồ Văn Đề cho biết, trải qua bao biến cố, người dân Bằng La càng có niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng, ngày bầu cử sắp đến là dịp để bà con thể hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Già làng Hồ Văn Đề cho biết: “Làng Bằng La đã chuẩn bị sẵn sàng, mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân các cấp đã sẵn sàng. Bản thân tôi đã sẵn sàng tuyên truyền cho nhân dân phải chuẩn bị, hướng về ngày bầu cử. Nhân dân Trà Leng rất phấn khởi, rất mừng”

Ngoài huyện Nam Trà My, huyện Phước Sơn cũng là địa phương chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi các đợt thiên tai vào cuối năm 2020. Hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn ở các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc hư hại hoàn toàn, chưa khắc phục được. Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết, việc đi lại nơi đây rất khó khăn, chỗ ở của bà con cũng không ổn định, rất khó tập trung cử tri. Chính quyền xã Phước Lộc gửi giấy mời trực tiếp đến từng hộ, phát huy vai trò của các già làng đến vận động, động viên bà con tham gia đầy đủ cuộc bầu cử lần này.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam cho biết đồng bào khắp nơi trong tỉnh nô nức chào đón ngày bầu cử sắp tới: “Qua theo dõi thì bà con hiện đang rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tôi nghĩ rằng những ngày tới, cũng như cử tri ở nhiều nơi, thì cử tri vùng sạt lở sẽ hăng hái đi bầu để chọn ra những người xứng đáng, có đức, có tài, và có trách nhiệm với nhân dân miền núi nói riêng cũng như cả nước nói chung”.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, những ngày qua, hàng trăm tàu cá ngư dân Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hối hả cập bờ tiêu thụ hải sản và sẵn sàng tham gia bầu cử.

Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn và cảng cá trên đảo Lý Sơn mấy hôm nay nhộn nhịp tàu cập bờ. Hàng trăm tàu cá sau nhiều ngày đánh bắt trên biển nối đuôi nhau về bờ bán hải sản và ngư dân chuẩn bị đi bầu cử. Các ngư dân sau chuyến biển dài ngày đã đến các khu vực bỏ phiếu tìm hiểu thêm những thông tin liên quan về cuộc bầu cử.

Các tàu thuyền đánh cá của ngư dân đi về bờ để chuẩn bị cho bầu cử tại tỉnh Quảng Ngãi

Huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 15.000 cử tri, trong đó có hơn 20% số cử tri là ngư dân làm nghề đánh bắt, khai thác hải sản tại các ngư trường xa bờ. Để ngư dân tham gia đầy đủ trong ngày bầu cử, thực hiện quyền, trách nhiệm công dân của mình, Đồn Biên phòng Lý Sơn và Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh, An Hải thông qua hệ thống Icom cộng đồng thường xuyên liên lạc với hơn 500 phương tiện tàu thuyền trên biển, vận động bà con tranh thủ thời gian đánh bắt để kịp về bờ tham gia cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Không khí ngày hội non sông đang rộn ràng khắp huyện đảo Lý Sơn.

Tại Bến Tre, toàn tỉnh có chính thức hơn 995.400 cử tri; trong đó có gần 991.000 cử tri bầu đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh. Toàn tỉnh đã thành lập 1.286 khu vực bỏ phiếu. Những ngày qua, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Bến Tre đã tổ chức gần 20 hội nghị tiếp xúc cử tri để ứng cử viên ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vận động bầu cử.

Ngư dân cho tàu thuyền cập bờ để chuẩn bị bầu cử tại Bến Tre

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế tỉnh Bến Tre đã lập các phương án, kịch bản áp dụng cho các tổ bầu cử trên địa bàn tỉnh; trong đó có phương án xử lý khi có ca nghi ngờ nhiễm Covid-19, các trường hợp sốt cao. Ở các tổ bầu cử đều có chuẩn bị nước diệt khuẩn, khẩu trang để phục vụ cử tri đến bỏ phiếu. Đối với các trường hợp đi về từ vùng dịch, trường hợp F2, F3 đang tự cách ly tại nhà thì địa phương mang thùng phiếu phụ đến để các cá nhân này bỏ phiếu. Các công tác thông tin, tuyên truyền, giữ gìn an ninh trật tự phục vụ bầu cử được tăng cường. Đặc biệt chính quyền và các ngành, đoàn thể các địa phương ven biển đã tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân sắp xếp công việc đánh bắt hải sản về địa phương làm tròn nhiệm vụ và quyền của cử tri.

Tại tỉnh Kiên Giang, Thổ Châu là xã biên giới hải đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, cách trung tâm thành phố Phú Quốc hơn 101 km, là đảo xa nhất của tỉnh Kiên Giang được Hội đồng bầu cử Quốc gia đồng ý cho xã tổ chức bầu cử sớm 2 ngày. Ngày mai 21/5 người dân trên đảo sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến giờ này, Thổ Châu đã sẵn sàng cho sự kiện chính trị trọng đại này.

Toàn xã có 1.990 cử tri, có 4 đơn vị bầu cử với 5 khu vực bỏ phiếu, trong đó có 1 khu vực bỏ phiếu của lực lượng vũ trang. Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, xã Thổ Châu có 26 ứng cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác tuyên truyền luôn được địa phương đặc biệt quan tâm, tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh, cổ động trực quan trên các tuyến đường. Tại những nơi bỏ phiếu đã được trang trí cờ, hoa rực rỡ.

Điểm bầu cử tại xã Thổ Châu, Kiên Giang

Để đảm bảo số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu đạt tỷ lệ cao, từng thành viên tổ bầu cử, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ dân bằng nhiều hình thức, về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của công dân, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử trên địa bàn xã đảo Thổ Châu.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban bầu cử xã Thổ Châu đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản sẵn sàng phòng, chống dịch trong ngày bầu cử. Các khu vực bỏ phiếu đều được phun xịt khử khuẩn, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh covid-19.

Ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết thêm: “Chúng tôi tổ chức các quy trình như khi người dân đến bầu cử chúng tôi sẽ đo thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang và xếp hàng. Khi ra về thì cũng khử khuẩn để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch. Vừa qua UB bầu cử xã đã chỉ đạo cho tiểu ban an ninh trật tự và y tế chuẩn bị các kế hoạch phương án chuẩn bị tốt cho công tác này.”

Mọi công việc cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 trên đảo Thổ Châu đã được chuẩn bị tươm tất, trang trọng. Gần 2 ngàn cử tri xã đảo đang nô nức chờ đón ngày bầu cử sớm diễn ra vào ngày 21/5 được tự tay bỏ lá phiếu bầu những đại biểu đủ đức đủ tài đóng góp xây dựng quê hương.

Tại Cà Mau, các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 khi thực hiện bầu cử đang được các cấp ngành chức năng Cà Mau chủ động thực hiện. Một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm là làm thế nào để những người trở về vùng có dịch thực hiện được quyền bầu cử mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Những ngày qua, thành viên các tổ bầu cử trên địa bàn phường 8 (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đi đến nhà từng nhà người dân nhắc lại những thông tin cần thiết về công tác bầu cử để bà con nắm rõ. Cùng với đó, người dân cũng được hướng dẫn khi đi bầu cử cần làm gì để công tác phòng chống dịch được đảm bảo.

Điểm bầu cử tại Phường 8, TP Cà Mau

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường 8, sau khi niêm yết danh sách cử tri, trên địa bàn phát sinh gần 200 người về từ tỉnh khác. Trong đó, chủ yếu là học sinh, sinh viên và một số ít là công nhân, người lao động. Tất cả những người này đều đã khai báo y tế, người về từ vùng có dịch được yêu cầu cách ly tại nhà. Ủy ban Bầu cử Phường 8 đã lên phương án, có thùng phiếu lưu động để những người dân cách ly tại nhà vẫn thực hiện được quyền bầu cử của mình. Ngoài ra, các giải pháp khác để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 khi người dân bầu cử cũng sẽ được thực hiện đồng bộ.

Ủy Ban Bầu cử tỉnh Cà Mau vừa có công văn hỏa tốc gửi Ủy Ban Bầu cử các cấp trong tỉnh về việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, để đảm bảo phòng ngừa, lây lan dịch Covid-19 trong quá trình triển khai bầu cử các đơn vị cần triển khai thực hiện nghiêm biện pháp 5k của Bộ Y tế.

Tại huyện tận cùng Tổ quốc – huyện Ngọc Hiển, các điểm bầu cử đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để đảm bảo người dân đi bầu cử được khai báo y tế, khử khuẩn, giữ khoảng cách. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng dự phòng khẩu trang y tế để cung cấp cho người dân tham gia bầu cử.

Bên cạnh việc chuẩn bị để người dân trên địa bàn thực hiện được quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp, ngành chức năng tỉnh Cà Mau cũng đồng bộ triển khai các giải pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 để công tác bầu cử diễn ra an toàn./.

Nhóm PV/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/gap-rut-hoan-thien-nhung-cong-viec-cuoi-cung-cho-ngay-bau-cu-859348.vov