Chính phủ muốn chuyển 932 tỉ vốn dư để làm dự án giao thông

Chính phủ đang báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh vốn dư 932 tỉ đồng, trong đó có 802 tỉ đồng từ ngành y tế sang các dự án giao thông cấp bách.

“Sau chín tháng triển khai gói phục hồi kinh tế, Chính phủ mới giải ngân được hơn 61.000/301.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 20,2% tổng quy mô nguồn lực…”. Đây là thông tin trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội (QH) về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án đường tránh phía đông, TP Đông Hà (Quảng Trị) hiện mới được đầu tư 13 km, còn 4 km chưa được đầu tư. Ảnh: NGUYỄN DO

Dự án đường tránh phía đông, TP Đông Hà (Quảng Trị) hiện mới được đầu tư 13 km, còn 4 km chưa được đầu tư. Ảnh: NGUYỄN DO

Điều chỉnh vốn dư cho các dự án giao thông cấp bách

Về nguồn vốn từ chương trình đầu tư phát triển, Chính phủ cho biết QH cho phép sử dụng số tiền tối đa 176.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong hai năm (2022 và 2023).

Hiện Chính phủ đã phân bổ số tiền trên như sau: Y tế gần 14.000 tỉ đồng; an sinh xã hội, lao động, việc làm 3.100 tỉ đồng; hỗ trợ lãi suất (2%) 40.000 tỉ đồng; cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch 300 tỉ đồng; 101.000 tỉ đồng đầu tư giao thông...

Tuy nhiên, khi cân đối vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, số tiền còn dư là 932 tỉ đồng, đa phần các bộ, địa phương trả lại.

Cụ thể, cắt từ lĩnh vực y tế là 802 tỉ đồng, do Bộ Y tế không đề xuất phương án bố trí vốn. Số còn lại thu hồi từ hai dự án của Bộ Xây dựng và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do không có báo cáo về việc hoàn thiện danh mục; lĩnh vực cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo nghề.

Với số tiền trên, Chính phủ cho biết đang báo cáo Ủy ban Thường vụ QH điều chỉnh vốn dư sang các dự án giao thông mang tính chất cấp bách.

Về nguồn vốn từ chương trình đầu tư phát triển, QH cho phép sử dụng số tiền tối đa 176.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2022 và 2023.

Phân bổ cho nhiều địa phương có ngân sách khó khăn

Chính phủ cho biết số vốn 932 tỉ đồng khi chuyển sang lĩnh vực giao thông sẽ được phân bổ như sau: Tỉnh Hòa Bình được phân bổ 407 tỉ đồng để làm dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Dự án này có tổng mức đầu tư 9.777 tỉ đồng nhưng ngân sách trung ương mới bố trí được 8.243 tỉ đồng, số còn lại tỉnh Hòa Bình phải tự cân đối. Tuy nhiên, ngân sách địa phương khó khăn nên việc bổ sung vốn để sớm hoàn thành dự án là cần thiết.

Chính phủ cũng đề xuất bố trí 230 tỉ đồng cho dự án đường tránh phía đông, TP Đông Hà (Quảng Trị) bởi tuyến này năm 2019 được Bộ GTVT đầu tư hơn 13 km, còn lại hơn 4 km chưa được bố trí vốn để đầu tư.

Đối với dự án này, ngày 25-7, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản kiến nghị trung ương hỗ trợ 230 tỉ đồng từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư hoàn chỉnh tuyến. Mục đích nhằm giảm lưu lượng xe trên tuyến quốc lộ 1 vào TP Đông Hà, hạn chế tai nạn giao thông và tránh gây bức xúc cho người dân.

Tỉnh Quảng Trị cam kết hoàn thành dự án trong năm 2023 để đảm bảo khai thác toàn tuyến. Trường hợp phát sinh tổng mức đầu tư, địa phương cam kết sẽ bố trí đủ số vốn còn thiếu từ ngân sách tỉnh để hoàn thành dự án.

Ngoài ra, dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng cũng được Chính phủ đề xuất bổ sung 295 tỉ đồng.

Lý do bổ sung vốn cho dự án này, theo Chính phủ, công trình có tính chất quan trọng, đảm bảo việc kết nối đường Kim Sơn - Bái Đính (thuộc tỉnh Ninh Bình) với đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định. Từ đó, góp phần giảm tải cho cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Pháp Vân - Cầu Giẽ… Cạnh đó, UBND tỉnh Nam Định đã cam kết sẽ giải ngân hết số vốn dự kiến theo đúng quy định.•

Sẽ quyết liệt hơn trong giải ngân

Chính phủ cũng thừa nhận tình hình triển khai một số nhiệm vụ cụ thể còn chưa bảo đảm theo yêu cầu và tiến độ đề ra, phần nào tác động đến hiệu quả của chương trình. Vì vậy, trong thời gian tới Chính phủ sẽ chỉ đạo các đơn vị quyết liệt hơn trong việc giải ngân.

Ngoài ra, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thực hiện đối với các chương trình đầu tư phát triển. Cạnh đó, nhanh chóng điều chỉnh nguồn lực giữa những chính sách không còn nhu cầu hoặc khả năng thực hiện để bổ sung cho chính sách hiệu quả, còn dư địa, bảo đảm phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chinh-phu-muon-chuyen-932-ti-von-du-de-lam-du-an-giao-thong-post703685.html